Từ năm 2013, Gu Xiaoqing làm việc với các cơ quan chính phủ về đào tạo, tư vấn và tiếp cận cộng đồng liên quan đến chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, cô chưa bao giờ đích thân gặp kẻ bạo hành. Họ thường tránh xa các chương trình như vậy.
"Họ tránh mặt và luôn nói đang bận. Họ biết mình sai nên nghĩ rằng bạn chỉ ở đó để rao giảng đạo đức", cô nói.
Tháng 5, một lệnh từ tòa án nhân dân quận Thiên Ninh cho cô cơ hội đó, gặp được người đánh vợ. Thẩm phán, Wang Dongli gọi điện trước cuộc gặp, nhắc cô dẫn theo một đồng nghiệp nam.
Từ khi luật Chống bạo lực gia đình được thông qua vào năm 2016, tòa án của Wang ban hành hơn 22 lệnh bảo vệ cá nhân. Trên khắp Trung Quốc, gần 11.000 lệnh tương tự được ban hành cho đến cuối năm 2021.
Gu đã chọn đi với một đồng nghiệp nữ. Cô muốn tiếp cận kẻ bạo hành như một người bình thường. "Tôi không ủng hộ họ nhưng muốn trấn an để sự thù địch hạ nhiệt và khi đó tôi có thể bắt đầu công việc thật sự", Gu nói.
Đối mặt với Gu tại phòng tư vấn ở tòa án là một thanh niên trông giống một người làm công ăn lương bình thường, cho đến khi nói, nỗi bất bình của anh tuôn ra.
Anh kể, những va chạm với vợ ban đầu chỉ là lời nói. Nhưng sau đó, người vợ không ngừng khiêu khích bằng cách cắt giảm chi tiêu của anh. Không chịu nổi, anh đánh cô, để lại vết hằn trên cổ.
Vợ anh ngay lập tức chụp ảnh vết thương và yêu cầu một lệnh bảo vệ cá nhân trong hồ sơ ly hôn, yêu cầu anh chuyển ra ngoài. Tòa án chấp thuận đề nghị của người vợ.
Gu đã vạch kế hoạch tư vấn tỉ mỉ nhưng không giống nhiều kẻ bạo hành khác, người đàn ông này sẵn sàng nói chuyện. Mức độ bạo hành của anh cũng thấp và vụ ly hôn cũng được giải quyết chỉ sau hai buổi gặp. Anh không có hành động nổi loạn nào sau đó. Vì vậy, anh và Gu kết thúc liệu trình trước thời hạn.
Theo kinh nghiệm của Gu, bạo hành được phát hiện đôi khi do một thành viên gia đình báo cáo, một đứa trẻ tiết lộ mâu thuẫn giữa cha mẹ. Những lần khác, những kẻ bạo hành tự khai, khi kể câu chuyện của họ.
Điều này ban đầu khiến Gu trăn trở: Tại sao người ta có thể bị đánh dễ dàng như vậy mà không chịu đi báo cảnh sát? "Phụ nữ luôn có một cái cớ. Họ không muốn gia đình tan nát hoặc bị đe dọa", cô nói.
Hơn 10 năm làm việc với các hội phụ nữ địa phương và các cơ quan chính phủ, hàng nghìn người đã gọi đến đường dây nóng của Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, khoảng 10 trường hợp được báo cáo mỗi năm được coi là đủ nghiêm trọng để can thiệp tư vấn.
Thẩm phán Wang Dongli đã giải quyết nhiều vụ ly hôn. "Khi hôn nhân thất bại, mọi người đều cảm thấy như họ là người đau khổ", vị này nói.
Bà Wang nhìn thấy giá trị lâu dài hơn trong việc can thiệp tâm lý cho người đàn ông đạo hành nói trên. Trước khi đến với nhau, đôi vợ chồng này đều từng kết hôn và có con riêng. Họ gặp nhau trên mạng xã hội và cưới không lâu sau đó.
Các yếu tố như tài chính và con cái đều có thể dẫn đến xung đột, điều này có thể khiến người chồng bị đả kích. "Họ vẫn chưa già và có thể kết hôn lần nữa. Vì vậy, những thay đổi trong hành vi của người đàn ông là rất quan trọng. Chúng tôi cũng đã sắp xếp tư vấn cho người vợ, với hy vọng rằng cô ấy không mang những hành vi trước đây đi cư xử với những người đàn ông khác", bà Wang nói.
Nữ thẩm phán cho biết, trên mạng xã hội, một số người đặt câu hỏi tại sao không thẳng tay bắt và kết án anh chồng, đi trị liệu làm gì. Nhưng lệnh bảo vệ thiên về phòng ngừa. Trong thủ tục ly hôn, người đàn ông có thể không bao giờ thực sự đánh người phụ nữ, nhưng anh ta theo dõi, gửi tin nhắn đe dọa.
Khi trị liệu, nếu nhà tâm lý học phát hiện ra các xu hướng bạo lực nghiêm trọng sắp xảy ra. Họ sẽ báo cáo cho tòa án để cân nhắc quyết định người nuôi con và giám hộ.
Sau trị liệu, chuyên gia tư vấn kiểm tra người chồng. Tất cả đều có vẻ ổn, anh ta tỏ vẻ chân thành qua điện thoại. Nhưng một vài buổi tư vấn bắt buộc có thể thực sự thay đổi một con người? Wang nghi ngờ điều đó. "Khó ai có thể nói được liệu anh ấy có thay đổi hay không cho đến khi tái hôn và đối mặt với xung đột hôn nhân một lần nữa", bà nói.
Sự can thiệp như một hồi chuông cảnh tỉnh. "Tất cả sẽ đáng giá khi anh ấy hồi tưởng về việc phải hầu tòa vì bạo lực và phải tư vấn", bà nói.
Tư vấn bắt buộc cho những kẻ bạo hành gia đình chỉ mới bắt đầu và còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào. Fang Gang, một chuyên gia nghiên cứu giới tính dạy tâm lý học, đồng thời là người sáng lập dự án Tình nguyện dải băng trắng Trung Quốc, chuyên chống bạo lực gia đình, là một chuyên gia về can thiệp tâm lý cho nam giới, nhận định.
Sau khi dự án của Fang mở đường dây nóng vào năm 2010, cuộc gọi đầu tiên anh nhận được là từ một kẻ bạo hành. Người này tự xưng là công chức từ tỉnh Thiểm Tây. Anh ta đang tìm kiếm sự giúp đỡ, vì vợ muốn ly hôn sau những lần liên tục bị bạo hành.
Tháng 9/2019, nhóm của Fang chọn ra 8 kẻ bạo hành trên khắp Bắc Kinh và tổ chức 30 buổi tư vấn trong vòng 6 tháng.
Tám người đến theo cách riêng. Mức độ bạo hành khác nhau, nhưng có hai người tái phạm và nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, lý do đồng ý tư vấn của họ đồng nhất một cách đáng ngạc nhiên: không muốn ly hôn.
Khi được hướng dẫn nói về hành vi của cha mẹ và bạn đời, họ rất thoải mái. Nhưng nói về bản thân, họ trở nên đề phòng, thường né tránh những chi tiết quan trọng.
Fang đặc biệt nhớ đến một người, một công nhân khoảng 50 tuổi. Người vợ đầu tiên bỏ anh ta vì bạo lực. Người thứ hai cũng chán ngấy, muốn ly hôn. Lúc đầu, anh phủ nhận, thề không đụng đến sợi tóc của vợ. Sau đó, anh ấy thừa nhận có đẩy nhẹ cô.
Nhóm nghiên cứu đã đưa vợ của người này đến để đối chất và được cho xem những bức ảnh vết bầm tím trên người cô. Khi nghe cô than thở, anh nghiến răng nói: "Không phải lỗi của tôi. Cô ấy ép tôi. Phụ nữ lâu lâu cần một bài học hay".
"Trong những cuộc thảo luận và đối đầu như vậy, chúng tôi hy vọng họ nhận ra rằng bạo lực xuất phát từ ham muốn quyền lực và sự kiểm soát. Họ học cách tôn trọng bạn đời", Fang nói. Vào thời điểm kết thúc trị liệu, người đàn ông đã thay đổi rất nhiều. Anh ta ôm vợ để giảng hòa.
Cả 8 người bạo hành vợ đều chia sẻ một bí mật: không ai trong số bạn bè và gia đình biết họ tham gia nhóm. Những người đàn ông cũng từ chối mọi lời mời phỏng vấn từ giới truyền thông. Nhưng trong nội bộ, họ học hỏi nhau, thúc đẩy nhau thay đổi và thậm chí gắn bó như những người bạn.
Nhóm tan rã vào tháng 3/2020 trong bối cảnh đại dịch, nhưng các nhà tổ chức đã tiến hành đánh giá. Kết quả cho thấy khả năng đối phó với xung đột và cảm xúc được cải thiện. Hầu hết các thành viên nhóm vẫn không bạo lực trong suốt sáu tháng đó. Cuối cùng, hôn nhân được cứu vãn.
Một thập kỷ trôi qua kể từ lần đầu tiên Fang nhận được cuộc gọi từ một kẻ bạo hành. Tình hình bạo lực gia đình có được cải thiện không? Fang nói về cơ bản nó vẫn thế, thậm chí giống một thế kỷ trước. "Mọi người vẫn được nuôi dưỡng bởi một nền văn hóa gia trưởng và nam tính thống trị", Fang nêu lý do.
Trong khi Wang ví công việc mình đang làm bây giờ giống như một cây con. Với thế hệ của bà và những người sinh trong những năm 1980 và 1990, mọi thứ tốt hơn so với hai hoặc ba thập kỷ trước.
"Đó là lý do tại sao chúng tôi nói về gia đình, giáo lý gia đình và các giá trị của gia đình. Khi người lớn không bạo lực trong quan hệ vợ chồng, trong nuôi dạy con cái, thì con cái của họ sẽ không bạo lực bạn đời và con cái trong tương lai. Đây là một dự án xã hội mang tính thế hệ", bà nói.
(Theo Sixthone)