Từ những chồng hồ sơ được làm thủ công
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ cặm cụi gõ từng con số, thẩm định hồ sơ dự án từng chồng to tướng, tính toán thủ công từng con số để so sánh với định mức đơn giá, rồi cuối tháng bà lọ mọ đạp xe đạp lên Sở Tài chính để lấy đơn giá, hay gửi các bản báo cáo bằng giấy xuống cho Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Nam).
Từ "nghề điện", "ngành điện" đã len lỏi vào gia đình tôi qua những bữa cơm sum họp hằng ngày như thế. Và tôi vẫn nhớ ngày bà được cấp chiếc máy tính để làm việc, đó là chiếc máy tính IBM lớn, cồng kềnh, chỉ dùng để soạn thảo văn bản. Mẹ tôi kể ngày ấy không có một phần mềm nào hỗ trợ các công tác lưu trữ và nộp hồ sơ, nên các số liệu khi thực hiện đấu thầu đều được ghi chép thủ công, khi cần làm báo cáo, bà phải mất rất nhiều thời gian để dò tìm. Đôi khi thức trắng đêm là chuyện bình thường.

Những người lính áo cam nỗ lực hoàn tất 50 công trình điện kịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất
ẢNH: EVNSPC
Toàn bộ nhật ký thi công thực hiện bằng bản giấy, không có hình ảnh lưu trữ, thi công xong mới về hoàn tất hồ sơ; năng lực nhà thầu không được công bố rộng rãi gây hạn chế thông tin trong việc đánh giá năng lực nhà thầu; không có cơ sở giá tham khảo cho các vật tư thiết bị khi giá trên thị trường đầy biến động; các TBA 110 kV thiết kế bằng các phần mềm 2D không trực quan, không tính toán được các rủi ro khi thi công...
Rồi đến khi bà nghỉ hưu vào năm 2013, quản lý lưu trữ hồ sơ cũng chưa thật sự có phần mềm, các công cụ hỗ trợ tạo đòn bẩy cho công tác đầu tư xây dựng. Nối tiếp mẹ, tôi đi theo ngành điện và thật trùng hợp khi được phân công vào vị trí mẹ từng công tác cách đây 30 năm. Với tôi, thế hệ kỹ sư trẻ của ngành, bước chân vào ngành trong giai đoạn "chuyển đổi số" đưa ngành điện trở thành doanh nghiệp số hóa toàn diện trong lĩnh vực năng lượng vào năm 2025 là niềm tự hào lẫn thách thức không nhỏ.
Bước đột phá trong chuyển đổi số
Bước đột phá trong cuộc chuyển đổi số trong công tác đầu tư xây dựng là phần mềm quản lý đầu tư xây dựng - investment management information system (IMIS) - một hệ thống quản lý thông tin tích hợp, hiện tại hoàn toàn cho công tác quản lý hiệu quả, chất lượng dự án...
Phần mềm IMIS giúp cho bản thân tôi và các cán bộ công nhân viên theo dõi được các chỉ tiêu trong đầu tư xây dựng, kiểm soát việc đảm bảo thực hiện 100% các gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng. Toàn bộ 100% hồ sơ dự án được lưu trữ dưới dạng hồ sơ điện tử, đáp ứng đầy đủ các thông tin, tài liệu, văn bản pháp luật liên quan trong toàn bộ vòng đời của dự án, từ khâu chuẩn bị, thực hiện đến kết thúc đầu tư.

Ứng dụng mô hình thông tin xây dựng BIM cho trạm 110 kV Mỹ Phước 3 và đường dây đấu nối ở tỉnh Bình Dương
ẢNH: TGCC
Đặc biệt, điểm nổi bật phải kể đến việc phần mềm đã cung cấp các giải pháp đột phá như: Giám sát thi công theo loại công trình, kho dữ liệu nhà thầu tập trung, hay việc thẩm định, thẩm tra điện tử nhằm nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, giảm thiểu chi phí và sự rủi ro của các công trình. Phần mềm đã tạo môi trường tương tác cho các bên: chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm tra có thể ý kiến trực tiếp, đính kèm hồ sơ liên quan. Bên cạnh đó, phần mềm này đã tích hợp công nghệ GPS; xây dựng các chức năng, sử dụng app di động, thực hiện ký số nhật ký và biên bản nghiệm thu điện tử 100% các dự án làm căn cứ để nghiệm thu, hoàn công, thanh toán, quyết toán hợp đồng. Tích hợp GPS có thể giúp cho lãnh đạo ngành kiểm soát từ xa tình hình thi công xây dựng của các đơn vị để có chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, việc đáp ứng tra cứu thông tin về giá dựa trên các hợp đồng về mua sắm vật tư, thiết bị giúp cho cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng có thêm cơ sở so sánh, lựa chọn đảm bảo tối ưu cho gói thầu.
Sự chuyển mình của công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực điện còn là các ứng dụng các công nghệ mới trong khảo sát thiết kế; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý vận hành đường dây và TBA. Sự kết hợp giữa UAV, camera thông minh và phần mềm thuật toán AI đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giám sát tình trạng đường dây truyền tải và TBA; giúp công tác kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa trở nên dễ dàng, chính xác và tiết kiệm thời gian, đặc biệt tại khu vực có địa hình phức tạp...
Với tôi, chứng kiến sự thay đổi của ngành điện từ những ngày còn bé qua công việc, lời kể của mẹ cho đến khi bước chân vào ngành này, trực tiếp tham gia trong công tác đầu tư xây dựng các dự án điện tại địa phương, chứng kiến bao nhiêu vinh quang gắn liền gian lao, nước mắt mồ hôi gắn với niềm hạnh phúc, nhiệt huyết yêu nghề gặp không ít chông gai thử thách, niềm tin yêu gắn sự kiên trì cống hiến không mệt mỏi... Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dự báo nền kinh tế và chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày càng tăng cao, đòi hỏi chất lượng công tác đầu tư xây dựng ngày càng hoàn hảo. Ngành điện một mặt tiếp tục đảm bảo điều hành và vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, liên tục với chất lượng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng cao, mặt khác phải bảo đảm kiểm soát tổn thất điện năng chặt chẽ, giảm tổn thất thấp nhất có thể, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, phục vụ dân sinh của các tỉnh phía nam.
Tổng công ty Điện lực miền Nam là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong chuyển đổi số đầu tư xây dựng. Kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, Tổng công ty Điện lực miền Nam tròn 50 tuổi, đã hoàn thành xuất sắc, ấn tượng 50 công trình, tạo dấu ấn trong ngành. Tiếp nối những thành quả cha anh trong ngành đi trước, thế hệ những người kỹ sư trẻ chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn, nắm bắt các công cụ chuyển đổi số để góp sức mình vào việc thực hiện tốt chuyển đổi số trong công tác đầu tư xây dựng của ngành điện miền Nam nói riêng và ngành điện cả nước nói chung.