Sáng 5/5, tại phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Báo cáo Quốc hội về tình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó khăn, đặc biệt Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, trong đó có Việt Nam.
Điều này đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại đầu tư quốc tế. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực trọng tâm. Trong đó, thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và hàng loạt các văn bản pháp luật kèm theo.
Đồng thời, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ).
Thủ tướng cho biết, trước việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã chủ động, bản lĩnh, tiến hành nhiều biện pháp, ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực.
"Việt Nam là một trong những nước đầu tiên mà Mỹ chấp nhận đàm phán và ngày 7/5 sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án, sẵn sàng đàm phán với Mỹ với tinh thần, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Về kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho hay, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2025 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với Quý I các năm trong giai đoạn 2020 - 2025. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng hai con số.
Trong 4 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tỷ giá ổn định, mặt bằng cho vay tiếp tục giảm. Tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Quý I/2025 tăng 3,22%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu qủa chính sách vi mô.
Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đạt 444.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng ước đạt 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu 5 tỷ USD, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo.
Vốn FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025 cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng cho biết, cả ba khu vực kinh tế tăng trưởng tích cực, sản xuất nông nghiệp duy trì đà phát triển, công nghiệp khởi sắc, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng hai con số (10,1%).
Thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, du lịch tiếp tục là điểm sáng thu hút 7,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23,8% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay.
Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho phát triển các dự án quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, bến cảng,...
Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các dự án tồn đọng. Đến nay, Ban chỉ đạo đã rà soát, tổng hợp 2.212 dự án vướng mắc và đã giải quyết được một số dự án.
"Trước bối cảnh thế giới đầy biến động và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, hơn bao giờ hết chúng ta cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, quyết tâm cao, nỗ lực hơn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên để hoàn thành các mục tiêu đề ra", Thủ tướng cho hay.