Trong bối cảnh thuế đối ứng từ Mỹ tạo ra nhiều thách thức thì hoạt động xuất khẩu tôm cá Việt Nam tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường quan trọng như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản… Đặc biệt, các thị trường này có nhu cầu cao từ phân khúc hàng giá trị gia tăng.

Xuất khẩu tôm cá Việt Nam tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Riêng tháng 4.2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 850 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 3,3 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2024.
Mặt hàng chủ lực là tôm vẫn đóng vai trò quan trọng với kim ngạch gần 1,3 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Tăng trưởng này đến từ nhu cầu cao tại các thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, cùng với giá tôm dần phục hồi do tái cân bằng cung cầu toàn cầu. Bên cạnh đó, cá tra với kim ngạch 633 triệu USD, tăng 9%. Đáng chú ý, một số mặt hàng tăng trưởng ấn tượng như cá rô phi và cá điêu hồng đạt 19 triệu USD, tăng 138%; nhuyễn thể (sò, ốc) đạt 216 triệu USD, tăng 18%; cua 83,1 triệu USD, tăng 82% và ghẹ 112 triệu USD tăng 50%. Riêng cá ngừ 304 USD, tăng 1%.
Xuất khẩu tôm cá tăng mạnh nhờ thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao. Trong 4 tháng qua, Trung Quốc đã chi 710 triệu USD mua tôm cá Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4 đạt 182 triệu USD, tăng 29%, chủ yếu nhờ nhu cầu tôm, cua ghẹ và nhuyễn thể phục vụ phân khúc cao cấp.
Bên cạnh đó, một thị trường quan trọng khác là Nhật Bản đứng thứ hai với 537 triệu USD, tăng 22%; tốc độ tăng trưởng ổn định nhờ các sản phẩm giá trị gia tăng. EU đạt 351,5 triệu USD, tăng 17% và Hàn Quốc đạt 264 triệu USD, tăng 15%. Sự tăng trưởng ở các thị trường này nhờ các chính sách thuế quan ưu đãi từ FTA. Trong khi đó, ASEAN là điểm sáng với 219 triệu USD, tăng 25%.
Thị trường Mỹ đạt 498 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2024, do tác động của chính sách thuế đối ứng làm xáo trộn hoạt động xuất khẩu.