Sáng 5.5, tiếp tục phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sau báo cáo bổ sung triển khai kinh tế - xã hội và ngân sách của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày báo cáo thẩm tra.
Theo ông Mãi, kinh tế xã - hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, song tăng trưởng kinh tế quý 1/2025 chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên công tác điều hành nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên. Bình quân các quý còn lại của năm 2025 phải tăng trưởng khoảng 8,4%.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội
ẢNH: GIA HÂN
Giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (đến hết tháng 3 đạt 9,53% kế hoạch thấp hơn so với mức 12,27% của cùng kỳ năm 2024).
Đặc biệt, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả và giá đỗ ngâm hóa chất, gây bức xúc xã hội và đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Về thu chi ngân sách, cơ quan thẩm tra lưu ý, việc giảm bội chi có nguyên nhân do hủy dự toán vốn vay ngoài nước, cắt giảm kế hoạch vốn, các nhiệm vụ chi không thực hiện, không được chuyển nguồn sang năm sau. Điều này cho thấy, việc giảm bội chi chưa mang tính hiệu quả cao.
Theo báo cáo của Chính phủ, hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá so với dự toán. Tuy nhiên, nợ thuế vẫn ở mức cao, tổng nợ thuế nội địa đến 30.4 ước khoảng 222.700 tỉ đồng, tăng 12,3% so thời điểm cuối 2024. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực hơn nữa trong thu hồi nợ thuế.
Chi 44.000 tỉ đồng cho cán bộ, công chức sau sắp xếp
Liên quan đến các đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội cho biết đa số ý kiến nhất trí việc bổ sung dự toán ngân sách T.Ư năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy.
Theo đó, trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí 44.000 tỉ đồng như phương án Chính phủ trình và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Trường hợp phát sinh lớn hơn 44.000 tỉ đồng, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán.
Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí phương án của Chính phủ về chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách T.Ư năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thống nhất cân đối, bố trí đạt 3% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Song cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, trong nhiều năm qua việc sử dụng, giải ngân nguồn ngân sách cho khoa học, công nghệ là khá chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, có giải pháp triển khai kịp thời và chịu trách nhiệm toàn diện về phân bổ, giải ngân, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo đảm không thất thoát, lãng phí.