Ung thư dạ dày là bệnh lý ung thư đường tiêu hóa phổ biến với triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh như viêm đau dạ dày, đau lưng, khó tiêu, chướng bụng,... nên bệnh thường phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, tiên lượng sống thấp. Do vậy việc chú ý tới các lối sống lành mạnh, bao gồm cả thói quen ăn uống sẽ góp phần lớn trong việc phòng ngừa nhiều bệnh tật và nâng cao sức khỏe.
Hãy thận trọng với 3 loại thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ung thư dạ dày và nhiều bệnh tiêu hóa nguy hiểm khác:
1. Đồ muối chua
Người Việt có thói quen thêm các món muối chua vào bữa ăn, chẳng hạn như dưa muối, cà muối, củ cải muối, bắp cải muối,... Thực phẩm muối chua thoạt nhìn có vẻ ngon miệng và giúp giảm ngấy khi ăn kèm với các món ăn nhiều dầu mỡ khác nhưng lại chứa một lượng lớn nitrit - một hợp chất được công nhận là có thể gây ung thư.
Cụ thể, nitrit có thể được chuyển đổi thành nitrosamine thông qua quá trình trao đổi chất và những nitrosamine này có liên quan chặt chẽ đến sự xuất hiện của bệnh ung thư dạ dày và nhiều bệnh ung thư đường tiêu hóa khác.
Ngoài ra, ăn quá nhiều đồ muối chua dễ khiến niêm mạc dạ dày bị kích thích, tăng tiết axit dạ dày gây ra các triệu chứng trào ngược axit dạ dày - thực quản, viêm loét dạ dày và theo thời gian có thể ảnh hưởng lớn tới cả hầu họng và đường ruột.
Lời khuyên: Bạn có thể ăn đồ muối chua nhưng chỉ nên ăn ít, không nên ăn thường xuyên, đặc biệt là những đồ muối chua để lâu (kể cả đã bảo quản trong tủ lạnh), không ăn đồ muối chua ngâm trong bình lọ nhựa, inox kém an toàn. Người mắc bệnh tim mạch, bệnh thận không nên ăn đồ muối chua do lượng muối cao, dễ tăng nặng tình trạng bệnh.
2. Thịt chế biến sẵn
Thịt chế biến sẵn được hiểu là các sản phẩm chế biến từ thịt đã trải qua những quy trình như ướp muối, lên men, hun khói hay những kỹ thuật chế biến khác nhằm mục đích nâng cao hương vị hay tăng thời gian bảo quản sản phẩm.
Tiêu thụ quá nhiều thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt muối, thịt xông khói, thịt đóng hộp, giăm bông, thịt nguội,... có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày và ung thư đại tràng kèm theo các rủi ro sức khỏe khác như tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Theo WHO, ăn 150 gam thịt chế biến sẵn (tương đương với 2 chiếc xúc xích hoặc 5 lát thịt xông khói) trở lên mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên 46% và nguy cơ tử vong lên 50% so với không ăn thịt chế biến.
Nguyên nhân là do thịt chế biến sẵn hầu hết có chứa nhiều muối, chất béo và chất bảo quản. Tiêu thụ lâu dài không chỉ làm tăng lipid máu mà còn "phá hủy" hệ tiêu hóa. Khi ăn chúng, nitrat và nitrit có thể trở thành hóa chất N-nitroso (NOC) có thể gây tổn thương các tế bào lót tiêu hóa. Tổn thương này có thể dẫn đến ung thư.
Lời khuyên: Vậy ăn bao nhiêu thịt chế biến sẵn là an toàn? Nên ăn càng ít càng tốt. Bạn có thể không cần phải loại bỏ thịt chế biến sẵn hoàn toàn khỏi chế độ ăn nếu có thể trạng khỏe mạnh bình thường nhưng không nên ăn thịt chế biến sẵn thay thế cho các loại thịt tươi như thịt bò, thịt gà, thịt lợn,... thông thường. NHS khuyến cáo người lớn nên ăn không quá 70 gam thịt chế biến sẵn mỗi ngày.
3. Các loại hạt để lâu ngày
Nhiều người cho rằng bảo quản các loại hạt trong tủ lạnh sẽ giúp kéo dài thời gian sử dụng, giảm nguy cơ hạt bị ẩm, hỏng do nhiệt độ môi trường bên ngoài. Nhưng trên thực tế, ngay cả bảo quản trong tủ lạnh thì hạt vẫn có nguy cơ bị mốc, đặc biệt là bảo quản trong thời gian dài ở các vị trí trong tủ lạnh có nhiệt độ thường xuyên biến động như cánh tủ lạnh.
Nói cách khác, hàm lượng dầu trong các loại hạt cao nếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm trong quá trình bảo quản sẽ dễ bị oxy hóa, hư hỏng dẫn đến nấm mốc phát triển.
Tiêu thụ hạt bị mốc làm tăng nguy cơ nhiễm aflatoxin gây ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng đặc biệt nguy hiểm. Để ngăn ngừa ung thư, tốt nhất hãy vứt bỏ khi phát hiện hạt bị mốc, bị thay đổi màu sắc, kết cấu hoặc mùi vị so với ban đầu thay vì "tiếc rẻ ăn cố".
Triệu chứng ung thư dạ dày sớm phổ biến là gì?
Nếu phát hiện có các biểu hiện bất thường dưới đây, tốt nhất hãy thăm khám sớm để được sàng lọc và tầm soát ung thư dạ dày hay các bệnh lý khác:
- Đau bụng âm ỉ ở một vùng bụng trong thời gian dài mà không thuyên giảm.
- Thường xuyên bị đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng và nhanh chóng cảm thấy no bụng chỉ sau một bữa ăn nhỏ.
- Chán ăn, ăn không ngon miệng dẫn tới sụt cân mà không rõ nguyên nhân.
- Buồn nôn và nôn ra máu.
- Thói quen đại tiện thay đổi, chẳng hạn như tần suất đại tiện tăng lên nhưng đại tiện bị sót, cảm giác không hết; phân bị lỏng hoặc cứng dù đã thay đổi chế độ ăn; đại tiện ra máu và đau đớn khi đại tiện.
- Mệt mỏi ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ, bao gồm cả mệt mỏi khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường.
Nguồn: Sohu