"Thu nhập không đủ sống", "lương chưa cao" là một trong những lý do phổ biến mà phần lớn những người không có thói quen tiết kiệm dùng để giải thích cho số dư tài khoản còn khiêm tốn của mình. Đây là tình trạng phổ biến, bởi với thu nhập không cao thì trang trải chi phí sống đã khó, nói gì đến việc để dành tiền cho tương lai.
Nhưng thực tế, có những người dù đạt mức không cao vẫn có được tài sản đáng nể nhờ duy trì thói quen tiết kiệm từ ngày này qua ngày khác. Cô nàng dưới đây chính là ví dụ.
Tiết kiệm từ khi lương chỉ 4 triệu đồng
Mới đây, trên một hội nhóm về quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, bài đăng của một cô nàng 32 tuổi tích luỹ được gần 2 cây vàng và sổ tiết kiệm 530 triệu từ cách đây 10 năm đã nhận được nhiều chú ý. Có lẽ với nhiều người, đây là một tài sản không phải quá lớn. Tuy nhiên, với cô nàng này thì đây là khoản đủ để cô yên tâm khi có những biến cố của cuộc đời ập đến. Bên cạnh đó, đáng nể hơn là nỗ lực tiết kiệm trong khoảng 10 năm của cô nàng, từ khi chỉ nhận được lương 4 triệu đồng/tháng.
Cô nàng chia sẻ, tháng nào cô cũng đều đặn tiết kiệm một khoản. Sau đó, cô cầm tiền nhàn rỗi đi gửi tiết kiệm hoặc mua vàng. Đáng nói, kể cả có những tháng cô bị "âm tiền" vì chi phí sinh hoạt lớn hơn mức thu nhập kiếm được, thì cô nàng cũng nhất định phải có một khoản tiết kiệm.
"Tích tiểu thành gió" - cứ như thế sau khoảng 10 năm, cô nàng đã có một tài sản cho mình. Dù một số người xung quanh dè bỉu cô vì lối sống tiết kiệm, nhưng nhìn thấy khoản để dành của mình thì cô vẫn tự hào về thành quả bản thân.
Cô nàng tâm sự: "Em bắt đầu tiết kiệm từ lúc tay trắng, không có nổi 50 ngàn. Lúc em còn đi làm công nhân, lương 4 triệu vào khoảng năm 2013 - 2014. Đồng lương nhận được quá ít mà chi tiêu không đủ. Tháng nào cũng âm nhưng em vẫn cố gắng để dành được 500-400-300-200 ngàn cất tủ (Tuỳ theo tháng vì tháng nào tăng ca nhiều mà ít việc chi tiêu thì để dành được 500 ngàn, còn không thì ít hơn).
Em nấu cơm tối và chừa một phần ít để đem đi làm ăn trưa. Đến hiện tại, em để dành được gần 2 cây vàng, 530 triệu sổ tiết kiệm. Tuy không nhiều nhưng thật sự em thấy vui lắm. Nhìn con ngày một lớn, học hành mọi thứ tốn kém, bố mẹ già ốm đau em cũng đỡ đần được phần nào. Em tích từ lúc 200 ngàn mà giờ đc như vậy cũng giỏi rồi phải không anh chị?.
Kiến tha lâu cũng đầy tổ. Đùng cái nhà có việc, cần đến tiền mà mình không giúp được gì thì em cảm thấy mình thật vô dụng. Bố mẹ không đợi được chúng ta giàu rồi mới báo hiếu. Mấy nay bố ốm (bố em nhiều bệnh huyết áp cao, tiểu đường, tim), người gầy mà em thương đứt ruột".
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã dành lời khen cho nỗ lực tiết kiệm của cô nàng. Từ mức lương không cao cho đến khi thu nhập tăng dần mà vẫn duy trì đều đặn lối sống tiết kiệm là điều không phải ai cũng làm được.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Bạn giỏi quá. Không ai sống cuộc đời của mình nên làm gì bạn thấy tốt, không ảnh hưởng ai thì cứ vui vẻ ạ.
- Ngưỡng mộ chị quá. Em vừa mới ra trường, 1 năm đi làm tiết kiệm được 2 chỉ vàng. Nhưng có việc gấp lại phải tiêu hết. Nhưng nghĩ cũng may. Vì có tiết kiệm để đề phòng phát sinh ạ. Đọc bài của chị em thấy 2025 có động lực nhiều hơn hẳn.
- Giỏi thật sự. Mình kiếm được 20 triệu/tháng mà không để dành được đồng nào. Thấy mình kém quá mọi người ạ.
- Mình đọc bài của bạn mà thấy bạn thật giỏi và thấy mình hoang phí quá. Mình sẽ cố gắng vén khéo hơn nữa mới được.
- Vậy là quá giỏi rồi ạ. Cuộc sống của mình là do mình quyết định, người khác cũng không sống thay mình. Bố mẹ mình ốm cũng không chắc họ giúp được đồng nào. Chị cũng đừng tiết kiệm quá để bản thân, con cái quá khổ là được.
Tại sao bạn không thể tiết kiệm được dù có lương cao hay thấp?
Nhìn vào trường hợp của cô nàng trên có thể thấy dù bạn có mức lương chưa cao nhưn đã có thể bắt đầu sống tiết kiệm, nếu đặt quyết tâm rõ ràng. Dưới đây là một số lý do có thể ngăn cản bạn tiết kiệm, dù có mức lương cao hay thấp:
- Thiếu mục tiêu tiết kiệm rõ ràng
Nếu không có mục tiêu tiết kiệm cụ thể, bạn dễ mất động lực. Nếu không có mục tiêu rõ ràng, bạn khó ưu tiên tiết kiệm hơn chi tiêu, dẫn đến kết quả hành trình không nhất quán và bỏ lỡ cơ hội xây dựng nền tảng tài chính vững chắc.
Cho dù bạn đang tiết kiệm tiền để mua nhà, chi trả giáo dục cho con cái hay lập kế hoạch nghỉ hưu, việc có các mục tiêu cụ thể giúp bạn dễ dàng theo dõi tiến độ và duy trì cam kết tiết kiệm của mình. Việc xác định mục tiêu cũng cho phép bạn lập kế hoạch tiết kiệm thực tế, bao gồm chia nhỏ các mục tiêu lớn thành các bước nhỏ hơn và dễ quản lý.
- Chi phí sinh hoạt quá cao so với thu nhập kiếm được
Khi chi phí sinh hoạt của bạn cao, chẳng hạn như tiền thuê nhà, tiện ích và chi trả hàng tạp hóa, chiếm phần lớn thu nhập của bạn, thì bạn sẽ chẳng còn bao nhiêu để tiết kiệm. Rào cản này thường được gọi là chênh lệch thu nhập-chi phí sinh hoạt và thường do các vấn đề như:
Thứ nhất, chi phí sinh hoạt của bạn còn cao. Sống ở một thành phố đắt đỏ có thể làm tăng đáng kể chi phí hàng tháng của bạn. Tiền thuê nhà, tiền tạp hóa và các nhu yếu phẩm khác có xu hướng đắt hơn ở những khu vực này.
Thứ hai, bạn đang lạm phát lối lống. Khi chúng ta kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta thường tăng chi tiêu theo tỷ lệ thuận - một hiện tượng được gọi là lạm phát lối sống. Khi lương tăng, thay vì gia tăng quỹ tiết kiệm, mọi người thường chi tiêu vào các mặt hàng xa xỉ, ăn uống bên ngoài hoặc nhu cầu không thiết yếu khác.
Thứ ba, không để ý các khoản chi phát sinh. Chẳng hạn như bạn có hoá đơn khi mua sắm, chi phí đi lại, chi phí chăm sóc sức khoẻ tăng đột ngột,... thì chúng có thể làm xáo trộn kế hoạch tài chính của bạn, khiến bạn không còn nhiều tiền để sống tiết kiệm.
- Không có kế hoạch thu chi đúng đắn
Có một kế hoạch thu chi phù hợp với tài chính cá nhân là một trong những tốt nhất để đảm bảo tiền được phân bổ cho mọi thứ quan trọng với bạn, bao gồm cả mục tiêu tiết kiệm. Khi có bảng kế hoạch này, bạn có thể chi tiêu trong phạm vi định trước mà không lo sợ bản thân sẽ tiêu quá lố. Xem xét bảng thu chi hàng tháng giúp bạn hiểu được tiền của mình đi đâu về đâu, từ đó gia tăng cơ hội tiết kiệm được tiền.