Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đối với các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, mỗi hộ trong 1 tháng sẽ trả thêm từ 4.550 - 65.050 đồng, tùy theo mức sử dụng.
Cụ thể, các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh, mức tăng tiền điện mỗi tháng khoảng 4.550 đồng; hộ sử dụng từ 51 - 100 kWh, mức tăng tiền điện tăng khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng; hộ sử dụng từ 101 - 200 kWh, mức tăng tiền điện khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng. Theo EVN, nhóm khách hàng dùng điện ở mức 100 - 200 kWh/tháng đang là nhóm khách hàng lớn nhất của ngành điện, chiếm 32,79% tổng số hộ dùng điện.
Các hộ sử dụng điện từ 201 - 300 kWh, mức tăng tiền điện một tháng khoảng 33.950 đồng/hộ; hộ sử dụng điện từ 301 - 400 kWh, mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng;
Với các hộ sử dụng điện từ 400 kWh trở lên, mức tăng tiền điện khoảng trên 65.050 đồng/hộ/tháng.

Mức tiền điện tăng mà các hộ sử dụng điện sinh hoạt phải đóng từ hôm nay (10.5)
ẢNH: EVN
Ngoài ra, với khách hàng kinh doanh dịch vụ, có khoảng 574.000 khách hàng, sau điều chỉnh tăng, trung bình mỗi khách hàng đóng cao hơn là 332.000 đồng/tháng.
Với khách hàng sản xuất, có khoảng 1,98 triệu khách hàng, sau điều chỉnh tăng, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm khoảng 677.000 đồng/tháng.
Với các khách hàng hành chính sự nghiệp, có khoảng 719.000 khách hàng, sau khi tăng giá điện, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm 125.000 đồng/tháng.
Ông Bùi Thanh Thủy - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Ngành điện gặp rất nhiều khó khăn trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối… bởi chi phí tăng. Việc tăng giá là khách quan. Theo quy định, giá điện có thể điều chỉnh 3 tháng một lần, tuy nhiên, từ lần tăng giá tháng 10.2024 tới nay, cũng đã hơn 6 tháng, EVN mới thực hiện điều chỉnh giá điện. Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng và điều chỉnh giá điện, rất mong người dân cần lưu ý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả".