Sau khi hoàn thành công việc tại nhà máy sản xuất vi mạch mới nằm trên sa mạc Arizona, Helen Wang lái xe về nhà để bắt đầu công việc phụ: nấu súp thịt bò cay và mì thịt lợn cho những đồng nghiệp đến từ Đài Loan (Trung Quốc) thèm hương vị quê nhà. Không có cửa hàng tạp hóa châu Á hay nhà hàng Đài Loan nào gần đây phục vụ các công nhân đã đổ bộ xuống rìa phía bắc Phoenix cách đây 2 năm để làm việc cho nhà máy sản xuất chip do Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan điều hành.
Nhà máy, giống như tàu vũ trụ thu hút hàng nghìn công nhân và gia đình đến đây, là một phần quan trọng trong nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy sản xuất chip tiên tiến tại Mỹ. Công ty, được gọi là TSMC, đã cam kết chi 65 tỷ USD cho dự án và sẽ nhận được 6,6 tỷ USD tiền tài trợ thông qua Đạo luật CHIPS.
Hiện tại, tương lai nhà máy TSMC tại Arizona — và cuộc sống của những công nhân tại đây — phụ thuộc vào việc liệu Tổng thống đắc cử Donald J. Trump có cố gắng cắt giảm viện trợ hay áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Ông vốn chỉ trích Đạo luật CHIPS, đồng thời lên án tình trạng ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ bị săn trộm.
Đối với những người lao động Đài Loan, địa chính trị thay đổi nằm ngoài tầm kiểm soát. Mối quan tâm chính hiện nay chỉ là cố gắng đưa nhà máy đi vào hoạt động trong khi thích nghi với cuộc sống mới.
Số lượng công nhân ngày càng tăng đang gieo mầm cho một sự thay đổi về văn hóa và nhân khẩu học. Các nhà phát triển bất động sản đang chuyển đổi một trung tâm mua sắm ngoài trời thành khu mua sắm châu Á. Một số hàng quán theo phong cách Đài Loan đã mọc lên.
“Mọi chuyện diễn ra quá nhanh”, Wen Chang, một chủ nhà hàng người Đài Loan chuyển đến Arizona từ New Mexico năm nay, cho biết. Tiệm hiện phục vụ hàng chục suất cơm hộp cho công nhân mỗi ngày.
“Họ nói rằng nơi đây giống như nhà, giống như một trung tâm cộng đồng”, ông Chang nói.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công nhân Đài Loan đang gây áp lực cho nhà máy. Công đoàn lao động ở Arizon phàn nàn khi TSMC tìm kiếm thị thực cho 500 công nhân. 13 cựu nhân viên đã đệ đơn cáo buộc TSMC có “văn hóa bài Mỹ”. Nhân viên hiện tại và trước đây của TSMC cho biết một số công nhân Mỹ không quen với phong cách làm việc khắt khe. Sự khác biệt về văn hóa khiến đôi bên đều thất vọng.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), TSMC đã hoàn thiện một quy trình sản xuất cực kỳ phức tạp: mạng lưới các kỹ sư lành nghề, các nhà cung cấp chuyên biệt và vốn đầu tư từ chính phủ. Tuy nhiên, kế hoạch đưa tất cả những thành tựu trên sang Mỹ lại thách thức hơn những gì các chuyên gia tưởng tượng.
Richard Liu, giám đốc truyền thông và quan hệ nhân viên tại công ty cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng hoạt động tốt ở Đài Loan không có nghĩa là sẽ hoạt động tốt tại Mỹ”.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, một số nhân viên TSMC cho biết đã xảy ra xung đột văn hóa giữa các nhà quản lý Đài Loan và công nhân Mỹ. TSMC nổi tiếng với điều kiện làm việc nghiêm ngặt nên công nhân Mỹ thường xuyên bị gọi đi làm việc giữa đêm trong trường hợp khẩn cấp. Nhiều người bất đồng quan điểm đã quyết định nghỉ việc.
“TSMC đã quen với việc xử lý mọi thứ như ở Đài Loan. Ở Mỹ, sẽ có sự khác biệt”, Charles Lee, đồng giám đốc điều hành Topco, nói.
Ở quê nhà, TSMC có hàng nghìn kỹ sư cùng hàng thập kỷ quan hệ với các nhà cung cấp. Tuy nhiên tại Mỹ, tập đoàn phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Ông Liu cho biết: “Tại địa điểm này, thực tế có rất nhiều thứ chúng tôi phải làm từ đầu”.
TSMC cho biết nhà máy đầu tiên tại Phoenix sẽ bắt đầu sản xuất thương mại vào nửa đầu năm 2025. Công ty có thêm 2 nhà máy nữa đang trong quá trình xây dựng. Các nhà máy này sẽ sản xuất chip tiên tiến quan trọng để hỗ trợ trí tuệ nhân tạo và hệ thống quốc phòng.
“Arizona là thử nghiệm đầu tiên trong quá trình phát triển siêu nhà máy tại nước ngoài của chúng tôi, Tất nhiên, đó là cả một quá trình học tập”, Chủ tịch TSMC Mark Liu nói và cho biết dự án này có thể quyết định xem liệu TSMC có thể chuyển mình thành một công ty đa quốc gia thực sự hay không.
Công nhân Đài Loan, vợ/chồng và con cái họ đã quyết định thay đổi cuộc sống cũ để tìm kiếm những trải nghiệm mới, chương trình giáo dục tiếng Anh cho con và các ưu đãi về tài chính - có thể lên tới gấp ba lần mức lương thông thường.
Nhân viên cho biết đã được TSMC hỗ trợ rất nhiều. Một số còn mở lớp dạy tiếng Anh và thu hút rất nhiều người tham gia, trong đó có vợ/chồng các kỹ sư TSMC.
Rebecca Wang, 43 tuổi, người chuyển đến Phoenix cùng chồng và hai con nhỏ vào tháng 11 năm 2022, đang mong muốn gia đình mình có thể ở lại sau khi hợp đồng 3 năm của chồng với TSMC kết thúc. Năm ngoái, cô đã quyết định mua một ngôi nhà lát gạch Tây Ban Nha có hồ bơi phía sau.
“Đây là điều chúng tôi mong muốn từ nước Mỹ”, cô Wang nói.
Giống như nhiều phụ nữ có chồng làm việc tại TSMC, Wang từ bỏ sự nghiệp của mình ở Đài Loan để trở thành một người mẹ toàn thời gian ở Arizona. Cô từng làm vị trí quản lý dự án tại một công ty năng lượng mặt trời, song chênh lệch múi giờ và nhu cầu chăm sóc hai con nhỏ khiến Wang không thể duy trì công việc.
Kate Yu, 33 tuổi, bắt đầu kinh doanh sau khi các đồng nghiệp của chồng cô tại TSMC thèm thuồng món gà hầm và thịt ba chỉ. Cô nấu thêm và nhanh chóng mở rộng sang các loại bánh nướng, gà rán và trà sữa. Hiện Yu còn mở một quán cà phê riêng tên Taiwan Mama.
Không biết liệu gia đình mình có được ở lại lâu dài hay không, song Yu vẫn ký hợp đồng thuê nhà hàng mới trong 5 năm. “Chúng tôi mở cửa hàng, đơn giản vì chúng tôi thèm đồ ăn Đài Loan. Tôi vẫn thấy khó làm quen với những thứ như bánh mì kẹp thịt và pizza”.
Theo: TSMC, WSJ