Chứng khoán

Giám đốc Phân tích KBSV: Đầu tư công đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới

Talkshow chủ đề “Trump 2.0 - Cơ hội hay thách thức cho đầu tư chứng khoán & hàng hóa phái sinh 2025” tổ chức ngày 29/12. (Ảnh: Xuân Nghĩa).

Tại talkshow chủ đề “Trump 2.0 - Cơ hội hay thách thức cho đầu tư chứng khoán & hàng hóa phái sinh 2025” tổ chức ngày 29/12, các chuyên gia đã chia sẻ góc nhìn về triển vọng ngành đầu tư công trong bối cảnh mới của nền kinh tế.

Theo TS Nguyễn Thanh Phúc, Giảng viên bộ môn Đầu tư tài chính, Trường đại học Văn Lang đánh giá, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy Nhà nước sẽ tiết giảm được khoản chi thường xuyên, phần dư ra sẽ dùng để bổ sung cho chi (đầu tư) phát triển. Vấn đề đặt ra là khoản chi cho phát triển này sẽ thực sự hiệu quả hay không và sẽ hấp thụ vào nền kinh tế như thế nào.  

Trên lý thuyết, để tăng trưởng bứt phá, ông Phúc phân tích Việt Nam có thể tập trung vào hai yếu tố chi tiêu công hoặc một làn sóng nào về kinh tế - chính trị nào đó làm thay đổi cục diện nền kinh tế.

Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và mục tiêu dài hạn tăng trưởng hai chữ số để tiệm cận các nền kinh tế phát triển hơn.

Để đạt mục tiêu này, ông Phúc cho rằng có thể công nghệ là một trong những lĩnh vực có sức lan tỏa, qua đó hỗ trợ cho các yếu tố cấu thành GDP tăng lên. Việc kết nối với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như NVIDIA là một tín hiệu khởi đầu tích cực.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Khối phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đồng thuận bên cạnh tiết giảm chi phí công, động lực từ tinh gọn bộ máy đến tăng trưởng thị trường chứng khoán vẫn chưa rõ ràng.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP hai chữ số, ông Bình cho rằng trước mắt, khi các doanh nghiệp niêm yết chưa thể đáp ứng, do đó hoạt động đầu tư công sẽ đóng vai trò dẫn dắt.

Năm 2024, Việt Nam đã thông qua một loạt luật (sửa đổi) bao gồm Luật Đầu tư công, Luật Chứng khoán, Luật Đất đai… Điểm mới trong các luật là sẽ khơi thông rất nhiều về thủ tục pháp lý, phân quyền cho địa phương… Tổng quan các dự công và tư đều được khơi thông hơn trước.

Giải ngân đầu tư công các năm 2023 - 2024 đều chậm so với kế hoạch. Năm 2024 dự kiến thực hiện khoảng 70% kế hoạch. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng giải ngân đầu tư công tăng 16% so với kế hoạch của 2024. Như vậy, mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2025 cao hơn khoảng 20 - 30% so với thực hiện 2024.

Chuyên gia KSBV kỳ vọng năm 2025 Việt Nam sẽ giải ngân hết (100%). Về nguyên do, đây là năm bản lề cho giai đoạn tới để đạt những mức tăng trưởng cao hơn (hai chữ số), đồng thời là năm cuối của giai đoạn 5 năm 2021-2025. Các luật sửa đổi cũng hỗ trợ cho việc thúc đẩy đầu tư công.

Do đó, ông Bình đặt đầu tư công vào một trong những chủ đề đầu tư năm 2025. Trên thị trường chứng khoán, chủ đề này tập trung vào hai nhóm chính gồm vật liệu xây dựng (trong đó bao gồm thép) và xây dựng cơ sở hạ tầng.

 

 

Còn quan điểm của ông Nguyễn Việt Hùng, Tổng Giám đốc Davnci Academy, những tác động từ thay đổi bộ máy nhân sự sẽ chưa thể sớm tác động trong 1-2 năm tới, nhưng dài hạn là tích cực cho nền kinh tế.

GDP Việt Nam có thể tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới với sự đóng góp từ việc đẩy mạnh ba đô thị thông minh và hai khu công nghiệp tự do. Điều đó hàm ý là cần thúc đẩy lĩnh vực tài chính.

Thế giới và Mỹ, với bộ máy của ông Trump có nhiều tỷ phú tài chính, vẫn đang vận hành dựa trên các thể chế tài chính. Do đó, theo ông Hùng, có lẽ Việt Nam đã đến thời điểm cũng sẽ phải mạnh tay đẩy mạnh về tài chính.

Về chính sách của tân tổng thống Mỹ, các chuyên gia cho biết sau chiến tranh thương mại đã xảy ra trước đây, căng thẳng lần này (nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump) giữa Mỹ - Trung chắc chắn sẽ diễn ra và khó lường hơn.

Với mục tiêu “nước Mỹ trước tiên”, phát triển kinh tế nội địa, ông Trump sẽ ưu tiên vấn đề về thuế, chi tiêu công, giúp cho nền kinh tế Mỹ đi lên. Do đó, khi lên nắm quyền, nhiều khả năng vị tổng thống sẽ đánh thuế đối với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, bao gồm Việt Nam.

Tổng quan, các chuyên gia đánh giá việc nắm quyền của ông Trump sẽ mang cả cơ hội và rủi ro cho Việt Nam. Trước câu chuyện này, một số nhóm ngành được dự báo hưởng lợi trong thời gian tới kể đến như khu công nghiệp, công nghệ, bất động sản…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm