Thông thường, sau Tết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phục hồi và tăng tốc, nhưng trong năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn nhiều con số rút lui khỏi thị trường.
Bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp như: Lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng, chiến sự Nga – Ukraine diễn biến ngoài dự đoán,…
Bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tại Toạ đàm 'VITV - Đối thoại: Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó?' diễn ra sáng 28/3, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong bối cảnh khó khăn nhất, doanh nghiệp mong chờ vào những cải cách hỗ trợ kinh doanh.
Nhiệm kỳ này theo ông Cung đã có nhiều sự thay đổi, trước đây doanh nghiệp rất hay gặp phải tình trạng thanh tra, kiểm tra thì nay đã có sự đồng hành, cảm thông, chia sẻ của các cơ quan quản lý, nhận biết được khó khăn của doanh nghiệp và mong muốn giải quyết khó khăn đó.
Ông Cung dự báo khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Trong bối cảnh khó khăn nhất, cần thực hiện cải cách môi trường kinh doanh để tạo ra bước ngoặt của sự thay đổi. Cải cách môi trường kinh doanh được coi như một chìa khoá để vượt qua giai đoạn này.
TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thì nhấn mạnh, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đang “chạm đáy”.
“Lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp phá sản và giải thể nên hy vọng quý I/2023 là “điểm đáy” của sự phục hồi doanh nghiệp. Hiện tín hiệu của sự hồi phục đã xuất hiện dù rất yếu, nên quý III/2023 sẽ cho tín hiệu tích cực hơn”, ông Lộc nói.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam nêu trợ lực quan trọng đối với doanh nghiệp là nguồn lực, thứ mà doanh nghiệp rất thiếu. Với nguồn lực về chính sách thuế, doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục thuế, hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu.
"Thuế là một nguồn lực rất lớn, cần có ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp tham gia vào những lĩnh vực mà Chính phủ khuyến khích hoặc hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn", ông Hoè nói.
Bên cạnh đó, nguồn lực về vốn cũng là một yếu tố rất quan trọng với doanh nghiệp. Phải làm sao khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để họ sử dụng nguồn lực đó và tạo động lực phát triển.
Cuối cùng là nguồn lực về quản trị, doanh nghiệp Việt còn yếu ở khâu này, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, nâng cao quản trị của cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng tình với ông Hoè, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu vấn đề về việc cần khơi thông nguồn lực cho các doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
"Cần áp dụng những chính sách mới để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực về vốn, đất đai,...tạo động lực cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển", ông Hiếu nói.