Doanh nghiệp

Sao Mai đề xuất không chia cổ tức năm 2022, muốn huỷ phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức tại An Giang vào ngày 15/4.

Năm 2023, Sao Mai đặt mục tiêu 15.250 tỷ đồng doanh thu tăng 11%, 545 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 43% so với cùng kỳ. Mức chia cổ tức năm 2023 dự kiến từ 5 – 10% bằng tiền hoặc cổ phiếu.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC của Sao Mai.

Đề xuất không chia cổ tức năm 2022

Trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, Sao Mai đề xuất không chi trả cổ tức năm 2022 mà dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty cho rằng, quyết định này sẽ đảm bảo an ninh tài chính cho công ty trong công cuộc phòng chống suy thoái kinh tế. Đồng thời, tránh pha loãng cổ phiếu khi công ty chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo Sao Mai, khi kinh tế ổn định và tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi, HĐQT công ty sẽ xem xét trình ĐHĐCĐ về phương án chi trả cổ tức trong kỳ đại hội gần nhất.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ đông Sao Mai đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ từ 20 - 30%. 

Muốn huỷ phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu

Ngoài ra, trong tài liệu gửi cổ đông, Sao Mai dự kiến huỷ phương án phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2022 do tình hình chứng khoán không thuận lợi.

Công ty cho biết đã dừng thực hiện đầu tư các dự án theo tờ trình số 02/TT-ĐHCĐTN-2022 ngày 9/4/2022 tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Bên cạnh đó, công ty đã tìm được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ đông Sao Mai đã thông qua phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu ASM cho cổ đông hiện hữu. Số cổ phiếu phát hành thêm có số lượng bằng 50% số cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tương ứng mỗi cổ đông nắm giữ 200 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 100 cổ phiếu mới. Giá phát hành là 12.000 đồng/cp, tương ứng với tổng giá trị phát hành là 2.019 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2022.

Kế hoạch sử dụng vốn của Sao Mai. (Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022)

Số tiền thu được từ đợt chào bán, Sao Mai dự kiến đầu tư: 253 tỷ đồng vào CTCP Phát triển Du lịch An Giang, 80 tỷ đồng vào CTCP Du lịch An Giang, 69 tỷ đồng vào CTCP Du lịch Đồng tháp và số còn lại được dùng bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bầu bổ sung thành viên HĐQT

Một nội dung khác trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 liên quan đến việc miễn nhiệm ba thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019: bà Lê Thị Nguyệt Thu (Chủ tịch), ông Lê Thanh Thuấn (thành viên), ông Nguyễn Văn Phụng (thành viên).

Đồng thời, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 là ông Lê Văn Thành (sinh năm 1964). Ông Thành dự kiến sẽ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT thay bà Thu.

Bên cạnh đó, Sao Mai dự kiến trình cổ đông thông qua việc bầu Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019 – 2024 gồm ông Nguyễn Văn Kỷ (trưởng ban), bà Nghiêm Thị Kiều Phương (thành viên), bà Trần Phúc Hậu (thành viên). 

Ngày 21/6/2022, Sao Mai cho biết nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Nguyễn Văn Phụng – Thành viên HĐQT không điều hành. Tới ngày 24/3/2023, công ty nhận được đơn xin từ nhiệm của bà Lê Thị Nguyệt Thu – Chủ tịch HĐQT và ông Lê Thanh Thuấn – thành viên HĐQT.  

Nguyên nhân xin từ nhiệm của bà Thu và ông Thuấn đưa ra là để đáp ứng theo quy định tại điểm b, khoản 5, điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2020. Bên cạnh đó, Sao Mai cũng cần thiết trong việc xây dựng, đào tạo đội ngũ kế thừa, đáp ứng theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, điểm b, khoản 5, điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm