PV: Nhìn lại bức tranh của ngành ngân hàng 1 năm qua – 2024, theo ông, đâu là những điểm sáng và còn thách thức nào hiện hữu?
Có thể nói 2024 là một năm rất khó khăn của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, ngành ngân hàng có thuận lợi, đó là luôn nhận được chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện, hỗ trợ của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách, giải pháp tiền tệ đồng bộ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Một trong những điểm sáng của ngân hàng năm qua là sự đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các ngân hàng đã tập trung vốn, sẵn sàng đầu tư cho doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Để thực hiện nhiệm vụ cùng doanh nghiệp vượt khó, ngân hàng đã cắt giảm chi phí và lãi suất cho vay cho tất cả các đối tượng phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Các hoạt động này giúp những doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn một cách dễ dàng.
Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19 như gia hạn, kéo dài thông tư hỗ trợ doanh nghiệp đến hết 2024. Đặc biệt, trong thời điểm các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, ngành ngân hàng cũng kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc, nhanh chóng đưa ra các giải pháp kịp thời trong lúc chờ văn bản quy định hỗ trợ từ Chính phủ. Những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ bão đã được các ngân hàng thương mại xem xét cho vay kể cả không có tài sản đảm bảo. Dù thời điểm này, chính các ngân hàng cũng chịu nhiều thiệt hại từ tác động của cơn bão Yagi và những trận lũ lụt sau đó.
Riêng về vấn đề room tín dụng, năm qua, Ngân hàng nhà nước đã có những điều hành thông thoáng hơn, tạo điều kiện để các ngân hàng cho vay nhưng vẫn đảm bảo hệ số an toàn.
2024 còn là năm thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Trên cơ sở đó dù có những khó khăn, tốc độ tăng trưởng tín dụng đầu năm có thể chậm, nhưng sang đến quý III/2024, tăng trưởng tín dụng đã có những chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Một số tổ chức tín dụng gần cuối năm đã hết room tín dụng nhưng vẫn tự động được điều chỉnh. Điều này chứng tỏ nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc và ngành ngân hàng đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu của doanh nghiệp. Ước tính cả năm, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mục tiêu 14% khi kết thúc năm.
Một trong những điểm sáng khác mà tôi nghĩ ngành ngân hàng đã làm được, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều chỉnh tỷ giá hợp lý, góp phần hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế. Chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, tỷ giá có biến động nhưng trong mức cho phép.
Dù có nhiều kết quả tích cực song một trong những thách thức mà ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt, đó là vấn đề nợ xấu.
PV: Như ông vừa trao đổi, nợ xấu hiện vẫn là thách thức hiện hữu mà ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt. Ông có thể nói rõ hơn về thách thức này?
Nợ vấu vẫn là một bài toán khó với các ngân hàng, đặc biệt khi các doanh nghiệp còn đang rất khó khăn, vừa mới trải qua giai đoạn dài ảnh hưởng bởi Covid-19, tiếp tục gánh chịu hậu quả từ thiên tai như bão Yagi.
Thực tế, ngành ngân hàng luôn luôn đối diện với nợ xấu dù đã có cơ chế, chính sách tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng nợ xấu vẫn luôn tiềm ẩn. Hiện tại, cơ cấu nợ, thời hạn nợ được điều chỉnh nhưng bản chất nó vẫn là nợ xấu. Vì vậy khi cho vay mới, ngân hàng luôn phải xem xét các khoản nợ cũ, xem doanh nghiệp, khách hàng có khả năng trả nợ hay không.
Tuy áp lực nợ xấu rất lớn nhưng đã có một chính sách mà NHNN đưa ra để giảm áp lực này cho các ngân hàng thương mại. Đó là, trong quá trình cơ cấu điều chỉnh trả nợ tùy theo mức độ, các ngân hàng có thể chủ động xem xét trích lập dự phòng rủi ro, chính bằng nguồn trích dự phòng rủi ro của mình để xử lý các khoản nợ xấu, chủ động để làm sao lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng.
Do đó, các tổ chức tín dụng cần giữ sự chủ động, xem khoản nợ xấu nào khó khăn thì trích dự phòng xử lý rủi ro trong nguồn quỹ của mình, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp vừa đảm bảo tình hình tài chính của ngân hàng. Chính sách này giúp tỷ lệ nợ xấu nằm trong mức cho phép.
Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chưa đến 3%. Tôi nghĩ đây là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, áp lực nợ xấu vẫn kéo dài sang năm 2025 khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực thì tất cả các khoản cơ cấu nợ sẽ là một áp lực với các tổ chức tín dụng.
PV: Theo ông, giải pháp căn cơ nào có thể giảm áp lực nợ xấu cho ngành ngân hàng trong năm 2025?
Ngành ngân hàng có nhiều giải pháp để giảm áp lực nợ xấu. Một trong những giải pháp chính vẫn là trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu bằng nguồn tự lực của các ngân hàng.
Giải pháp thứ hai là phải đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý các loại tài sản đảm bảo với các khoản nợ không có khả năng thu hồi. Ngành ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật, đưa những khoản nợ ra tòa để xử lý, phát mại tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, ý thức, sự hợp tác của người dân, doanh nghiệp rất quan trọng. Khi xác định những khoản nợ của mình đến hạn thì người vay cần có kế hoạch trả ngân hàng. Trường hợp có khó khăn thì cần phối hợp với ngân hàng để xử lý tài sản đảm bảo, tránh tình trạng chây ỳ, không trả nợ.
PV: Áp lực lãi suất đầu vào lên, nợ xấu, chi phí tăng, phải đầu tư cho công nghệ… trong khi Chính phủ vẫn yêu cầu tiết giảm chi phí để giảm lãi suất đầu ra. Các ngân hàng cần giải bài toán đó thế nào để giữ được lợi nhuận và lợi ích cho cổ đông?
Chính phủ luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp với mục tiêu: Làm sao để doanh nghiệp từng bước phát triển, vượt qua khó khăn? Vì vậy, Chính phủ có yêu cầu tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng giúp khách hàng từng bước khắc phục khó khăn. Đây là chủ trương mà phía ngành ngân hàng chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nên, ngành ngân hàng cũng cần đồng hành cùng Chính phủ, trên điều kiện khả năng tài chính của mình, tức làm sao để giảm lãi suất cho vay khách hàng tối đa nhất trong phạm vi cho phép. Chúng tôi luôn kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho khách hàng.
Bên cạnh đó, không phải vì mục tiêu lợi nhuận, không phải vì cần phải chia cổ tức, ngành ngân hàng tuyên truyền để cổ đông ngân hàng hiểu được: Trong điều kiện khó khăn như vậy, ngân hàng phải chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngân hàng sẵn sàng cắt giảm lợi nhuận để cùng chia sẻ cùng nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất đầu vào rất khó giảm.
Theo tôi, trong thời gian tới lãi suất huy động có thể rất khó giảm. Giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ ổn định nền kinh tế tốt là quan trọng. Vì vậy để cắt giảm lãi suất cho vay, ngân hàng tiết giảm chi phí, thậm chí cắt giảm một phần lợi nhuận của mình để chia sẻ cùng doanh nghiệp.
PV: Bước sang 2025, theo ông, đâu là những thách thức, đâu là cơ hội mà ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt và đón nhận?
Tôi cho rằng, năm 2025, ngành ngân hàng có nhiều thuận lợi. Một trong số đó là sự quyết tâm của Nhà nước, Chính phủ đưa đất nước vươn lên một tầm cao mới. Vì vậy toàn Đảng toàn dân và toàn quân cần tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, thông qua loạt giải pháp.
Trước hết là cải cách, hiện nay, Tổng Bí thư đã chỉ đạo tiến hành cải cách về bộ máy hành chính nhằm tiết giảm ngân sách, làm sao để các nguồn lực dành để đầu tư cho phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là một trong những cơ hội mà ngành ngân hàng cần nắm bắt.
Thứ hai, Chính phủ tập trung nguồn lực cho việc thực thi chính sách tài khóa lớn hơn để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh này, ngành ngân hàng cũng cần đổi mới để đồng hành cùng Chính phủ, đáp ứng đủ vốn phục vụ cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tôi tin chắc sự đồng bộ, linh hoạt, phù hợp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn đối diện với những khó khăn. Tôi nghĩ rằng vấn đề chi phí, lãi suất chỉ là một phần. Trong 2025, ngành ngân hàng sẽ phải đối diện với những khoản nợ xấu từ thời Covid -19, khi hết thời hạn cơ cấu điều chỉnh nợ. Trong bối cảnh thị trường bất động sản có lúc trầm lắng, dù đã có dấu hiệu chuyển động thời gian vừa qua nhưng giá cả cao nên vấn đề xử lý phát mại tài sản đảm bảo cũng như tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.
Khó khăn thứ hai là một trong những quyền của ngân hàng theo Nghị quyết 42 là ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi Luật Tổ chức tín dụng thông qua thì rất tiếc ngân hàng không được phép thu giữ tài sản đảm bảo. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn cho ngân hàng trong việc tiếp cận, thu hồi nợ, đặc biệt là nợ xấu, đặc biệt là khi không có sự hợp tác của người vay. Vì vậy, ngân hàng sẽ cần trích một phần lợi nhuận để xử lý những khoản nợ xấu.
Một vấn đề nữa, trong điều kiện phát triển như vậy luôn luôn đòi hỏi ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cho vay với lãi suất thấp. Đây cũng là một trong những áp lực, khi mà ngân hàng vừa phải giảm lãi suất cho vay mà lãi suất đầu vào đang ở ngưỡng khó điều chỉnh.
Những vấn đề trên nếu không giải quyết đồng bộ, quyết liệt thì rất có thể dẫn tới những khó khăn, thậm chí ảnh hưởng đến thanh khoản. Hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân đang gửi tiền ngân hàng rất nhiều. Khi nền kinh tế phát triển, các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, người dân không chuộng gửi tiết kiệm. Như vậy, ngân hàng sẽ gặp khó khăn cho huy động vốn. Lúc đó, ngân hàng cần tăng lãi suất đầu vào, dẫn đến khó khăn khi giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
PV: Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có nhắc đến tinh thần của năm 2025 là ”vừa chạy vừa xếp hàng”. Xin hỏi ông, hình tượng “vừa chạy vừa xếp hàng” là như thế nào? Ngành ngân hàng sẽ "vừa chạy vừa xếp hàng" trong năm 2025 ra sao?
Theo tôi, câu nói này thể hiện sự quyết tâm rất lớn Tổng Bí thư. Như chúng ta đã biết, mọi vấn đề hiện tại đều phải làm tuần tự, từng bước, các thủ tục. Quy định ngành ngân hàng cũng không thể thay đổi ngay lập tức. Trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức nếu có, ngân hàng phải đảm bảo quá trình hoạt động không bị ảnh hưởng.
Như vậy, trong quá trình thay đổi sắp xếp về mô hình, chức năng quản lý, hoạt động đối với ngân hàng và doanh nghiệp không có gì thay đổi. Mọi hoạt động buộc phải diễn ra cùng lúc, đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân. Không những thế, việc thay đổi phải hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn, để hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thông suốt.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ảnh: Việt Hùng