Kỹ năng sống

Mất bạn vì cho vay tiền

Cuối năm 2022, cô bạn thân ở quê của Lan Phương hỏi vay 30 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp lại sau hàng loạt những biến cố không may. Người vay hứa sẽ trả đủ sau nửa năm. Phương chuyển khoản luôn với hy vọng giúp bạn vượt qua khó khăn.

Qua hẹn trả nợ 6 tháng nhưng không thấy người bạn đả động gì, Phương nhắc và được hứa "vài bữa nữa có đủ sẽ trả". Một năm sau vẫn bặt vô âm tín, cô nhắn tin được hẹn thêm ba tháng, nhưng hết ba tháng cũng không có hồi âm.

Hai tháng trước, thấy bạn đăng ảnh đi du lịch nước ngoài kèm những dịch vụ sang chảnh lên Facebook, Phương giận dữ, gọi điện yêu cầu trả nợ. Người này giải thích, do mới chia tay bạn trai, công việc bấp bênh, căng thẳng nên đi chơi giải tỏa tinh thần. Cô bạn thân còn trách ngược Phương "lương cao mà keo kiệt".

Sau nhiều lần thúc giục cùng thái độ kiên quyết, căng thẳng của Lan Phương, số tiền nợ mới được trả đủ. "Trước khi vay tiền bạn là bạn, sau khi vay tiền bạn là chủ, còn sau khi trả tiền bạn là ân nhân", Phương nói.

Ảnh minh họa: Thanh Tùng

Ảnh minh họa: Thanh Tùng

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM chia sẻ, việc mượn tiền của người khác nhưng không trả thường xuất phát từ ba nguyên nhân. Một là sau khi có tiền thì nảy lòng tham không muốn trả lại, hai là ngay từ đầu đã lợi dụng lòng tốt để lừa đảo, cuối cùng là vì khó khăn nên chưa trả được nợ.

Theo chuyên gia, vay tiền bạn bè thường không kèm lãi suất, đôi khi chỉ chứng minh qua vài dòng tin nhắn hay cuộc điện thoại nên người vay ít bị áp lực trả nợ. "Khi không có cảm giác cấp bách, một số người cố tình trì hoãn việc trả nợ, thậm chí còn mong đối phương quên chuyện từng vay nợ", bà Minh nói. "Bởi vậy, khi phát sinh mâu thuẫn tiền bạc, dù từng thân thiết nhưng sự tin tưởng và tình cảm của hai bên vì thế có nguy cơ bị phá vỡ".

Chuyện mất bạn vì cho vay tiền của Lan Phương không hiếm trong đời sống. Khảo sát của CreditCards.com năm 2022 ghi nhận 42% người tham gia phỏng vấn từng mất tiền vì cho bạn bè vay không thể đòi lại, 26% cho biết mối quan hệ với người vay bị ảnh hưởng tiêu cực và 9% có "động tay chân" với nhau vì việc này.

Trong khảo sát khác của Bank of America- Ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ- năm 2017, 71% số người được hỏi đã không thể đòi lại tiền sau khi cho bạn bè vay nợ. Trong số này, 40% đã chấm dứt mối quan hệ từ đó. Meredith Verdone, giám đốc tiếp thị tại Bank of America nói: "Dù nhiều người sẵn sàng cho bạn bè vay tiền nhưng khi yêu cầu trả nợ lại tạo căng thẳng và áp lực cho chính mình".

Bốn năm trước, nghe tin chồng bạn bỏ trốn do nợ cờ bạc, mẹ con phải dắt díu nhau vào Tây Nguyên lánh nạn khiến Mai Anh động lòng. Người phụ nữ 30 tuổi, quê Nam Định chuyển cho bạn vay toàn bộ 20 triệu đồng là tiền thai sản vừa nhận, cùng lời nhắn "Sau này trả lại 18 triệu thôi, 2 triệu cho con tiền mua sữa".

Nhận tiền xong, người bạn bặt tăm, không tin tức. Thông qua bạn bè cũ cô biết người này hiện nay làm ăn tốt, đã xây được nhà, nhưng không đoái hoài nợ cũ. Năm ngoái, bố mẹ Mai Anh cùng lúc cấp cứu trong viện. Cần tiền cô gọi điện nhưng người bạn không bắt máy, nhắn tin qua Facebook cũng không trả lời.

"Thậm chí tôi van nài bạn trả nửa số nợ để đóng viện phí nhưng không nhận được hồi âm". Mỗi lần nhắc tới chuyện cũ, Mai Anh vẫn uất ức. "Không cho vay thì mất bạn, còn cho vay thì mất cả tiền cả bạn".

Chuyên gia Nguyễn Thị Minh cho rằng, cảm xúc của những người không đòi được nợ như Mai Anh thường rất tiêu cực, bao gồm sự oán hận và cảm giác bị tổn thương.

Ngoài ra, người cho vay có thể phải đối mặt với căng thẳng và áp lực tâm lý khi không thể đòi lại số tiền. Điều này gây ra lo lắng, bực bội và cảm giác bị lợi dụng. Việc không đòi được tiền cũng có thể gây mất mát tài chính, ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu và đầu tư của người cho vay. Sự việc sẽ trở nên nghiêm trọng nếu số tiền cho vay là một khoản lớn hoặc quan trọng đối với người cho vay.

Khi gặp tình huống này, người cho vay có thể trở nên dè dặt hơn trong việc giúp đỡ bạn bè hoặc người thân trong tương lai. Điều này sẽ làm giảm niềm tin vào các mối quan hệ cá nhân và gây ra sự bất hòa trong những mối quan hệ khác.

"Việc cho bạn bè vay tiền vì thế cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có biện pháp bảo đảm rõ ràng để tránh rơi vào tình huống khó xử", bà Minh khuyên.

Minh Hưng ở TP HCM luôn giữ nguyên tắc không cho bạn bè, đồng nghiệp vay tiền để tránh rắc rối có thể xảy ra trong tương lai. "Tôi làm việc vất vả mới kiếm được tiền nên không có nghĩa vụ phải cho người khác vay vì những rắc rối không liên quan tới mình", Hưng nói.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi, nếu ai cũng sợ mất tiền khi cho bạn bè vay thì đó là suy nghĩ tiêu cực. Khi khó khăn được bạn bè giúp đỡ mới thấm thía được giá trị cuộc sống, thấu hiểu tình bạn đích thực.

"Người thực sự cần giúp đỡ và có lòng tự trọng sẽ không vì đồng tiền mà đánh mất tình bạn", bà Minh nói.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo, trước khi giúp đỡ người khác, cần tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, không để lòng tốt bị lợi dụng. Ngoài ra, chỉ nên cho vay số tiền thực sự nhàn rỗi để giảm áp lực, rủi ro nếu không đòi lại được.

Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật cho rằng, để vừa giữ được tình bạn, vừa tránh rơi vào tình huống khó xử khi cho vay mọi người cần lập hợp đồng, giao kèo rõ ràng. Trong đó ghi rõ số tiền vay, thời hạn trả nợ, lãi suất (nếu có) và các điều khoản khác. Hợp đồng nên có chữ ký của hai bên và người làm chứng nếu có thể.

Với số tiền nhỏ, nếu ngại làm giấy tờ, khi chuyển tiền qua ngân hàng cần ghi rõ chuyển vì mục đích gì và yêu cầu người vay xác nhận. Nếu đối phương hiểu chuyện và biết giữ chữ tín, sẽ không từ chối cách thức này hoặc buông lời trách móc.

Ông Bình khuyên, cần ghi chép, lưu lại bằng chứng các giao dịch đã thực hiện. Cụ thể là lưu giữ các bằng chứng về việc cho vay, như tin nhắn, email, hoặc biên nhận. Các tài liệu trên có thể sẽ hữu ích nếu cần giải quyết tranh chấp sau này.

Trước khi cho vay, cần cân nhắc kỹ thông qua việc đánh giá mức độ tin tưởng và khả năng tài chính của người vay. Nên trò chuyện thẳng thắn với bạn về khả năng trả nợ và các điều kiện vay. Điều này giúp hai bên hiểu rõ về trách nhiệm và tránh hiểu lầm sau này.

"Nếu cảm thấy mọi điều kiện không chắc chắn, nên từ chối khéo léo dù điều đó có thể làm bạn bè phật ý", ông Bình nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm