Bất động sản

TS. Lê Xuân Nghĩa: "Giá thị trường đất phố Kim Mã khoảng 500 triệu/m2, giá đền bù 120 triệu/m2, dân không chấp nhận và kỳ vọng giá đền bù 350 - 400 triệu/m2... như vậy là đúng!"

Chỉ còn hơn 1 ngày nữa, 3 bộ luật gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 cùng các nghị định đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tại Hội thảo "Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm" do Báo đầu tư tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận mạnh, 3 bộ luật về bất động sản ra đời có thay đổi rất lớn. 

TS. Nghĩa cho biết, năm ngoái, giải ngân đầu tư công rất cao, tới năm nay tự dưng thấp xuống. Lý do đơn giản là bởi bà con thấy sắp có Luật Đất đai mới, sẽ có bảng giá đất mới, giá đền bù giải phóng mặt bằng mới nên dứt khoát không chịu di dời.

"Ở khu vực đường Kim Mã, nơi có dự án đường sắt đô thị đi qua, bà con nói với tôi giá thị trường của đất mặt tiền hiện khoảng 500 triệu/m2, trong khi giá đền bù là 120 triệu/m2, do đó người dân không chấp nhận thỏa thuận. Người dân chia sẻ họ không kỳ vọng Chính phủ sẽ ra giá đền bù ở mức 500 triệu/m2, song ít nhất cũng ở mức 350 - 400 triệu/m2. Bà con kỳ vọng như vậy là đúng"

Tôi thấy Nghị quyết số 18 có một câu rất hay, đó là "xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường", tức giá đất được tính toán theo nguyên tắc của thị trường chứ không phải theo giá của thị trường. Từ ngày 1/8 tới đây, với luật mới, việc giải phóng mặt bằng cho cả đầu tư công lẫn đầu tư tư sẽ bắt đầu được tháo gỡ", TS. Nghĩa cho hay.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho biết, Luật Đất đai quy định bỏ khung giá đất thay bằng bảng giá đất hàng năm là một bước tiến lớn trong việc nhìn nhận thị trường bất động sản đúng với góc độ kinh tế thị trường. Từ đó, ngăn chặn tình trạng trục lợi, cấu kết giữa quan chức biến chất và doanh nghiệp thông qua quá trình định giá đất rẻ, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và gây méo mó thị trường. Hiện nay, nhiều dự án trước đó được giao phát triển có định giá đất thấp đang bị rà soát định giá lại.

Được biết, khi 3 Luật sắp có hiệu lực, bảng giá đất hàng năm được người dân đặc biệt quan tâm. Mới đây, thông tin Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM lấy ý kiến dự thảo về ban hành quyết định điều chỉnh về bảng giá đất trên địa bàn đang được chú ý. Theo dự thảo, giá đất ở đô thị cao nhất ở TPHCM là 810 triệu đồng/m2, tại các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… (quận 1). So với bảng giá đất hiện hành, giá đất dự kiến đã tăng gấp 5 lần.

Một số tuyến đường lân cận khu vực trên có giá 528 triệu đồng đối với đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành), tăng 422,4 triệu/m2 đồng so với bảng giá đất hiện hành. Tương tự, đường Phạm Hồng Thái có giá 418 triệu đồng/m2, tăng 334,4 triệu đồng/m2.

Tại buổi họp báo thông tin về việc điều chỉnh giá đất năm 2024 của TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã nêu lý do áp dụng bảng giá đất mới từ 1/8. Theo ông Thắng, Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/8/2024. Sau ngày 1/8 sẽ không còn quy định về hệ số điều chỉnh và phải cập nhật giá đất tái định cư. 

Vị này cho biết thêm, bảng giá đất mới sẽ không còn hệ số, được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu thị trường về giá đất. Cụ thể là dữ liệu về giao dịch đất đai tại địa bàn qua nhiều năm qua. Dữ liệu này được tổng hợp từ nhiều nguồn như Cục thuế, Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện...

"Bảng giá này cập nhật giữ liệu giá gốc chứ không làm tăng giá thị trường. Giá này đang diễn ra trên thị trường, và được cân chỉnh", Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM khẳng định.

Trước đó, chia sẻ tới truyền thông, ông Thắng cho biết, Luật Đất đai năm 2024 quy định Bảng giá đất được áp dụng cho 12 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính nên có tầm quan trọng đối với đời sống xã hội. Do đó, nếu không triển khai Bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng trên địa bàn thành phố thì dẫn đến “ách tắc” trong giải ngân đầu tư công cũng như thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và các tổ chức.




Cùng chuyên mục

Đọc thêm