Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, có tới hơn chục ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất. Như Thụy điển tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây; Thụy Sỹ, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đồng thời cũng thông báo nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm; ngân hàng trung ương Anh tuyên bố nâng thêm 0,5 điểm phần trăm…Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngay sau đó cũng thông báo về quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%.
Vì sao NHNN lại mạnh tay tăng lãi suất?
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đợt tăng lãi suất vừa qua đã kéo lãi suất của FED lên cao nhất kể từ cuộc khủng tài chính 2008. Điều này sẽ tác động khá mạnh đến nền kinh tế toàn cầu đặc biệt là tỷ giá cũng như chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng sẽ không là ngoại lệ.
"Việc này sẽ tiếp tục làm đồng USD Mỹ mạnh lên trong thời gian tới và gây áp lực giảm giá các đồng tiền khác dòng vốn sẽ có khuynh hướng tiếp tục chảy về Mỹ và làm cho đồng nội tệ của các quốc gia khác, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi mất giá. Về phía Việt Nam, áp lực giảm giá đồng nội tệ đã có từ những đợt tăng lãi suất ban đầu của FED", Ông Huân đánh giá.
PGS.TS Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cũng đánh giá, việc nâng lãi suất của NHNN vừa qua trước hết là nhằm giữ giá đồng nội tệ, hạn chế việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam. Mục tiêu thứ 2 đó là phòng ngừa lạm phát từ xa. Tuy nhiên, mục tiêu thứ nhất mới là quan trọng. Hiện nay, lạm phát của Việt Nam cũng đang ở mức tương đối vừa phải.
PGS.TS Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội)
"Việc tăng lãi suất 1% như vừa qua là tương đối quyết liệt. Như FED tăng 0,75 điểm phần trăm, trong khi NHNN Việt Nam tăng đến 1 điểm phần trăm. Điều này không có gì lạ, lãi suất thực tế trên thị trường cũng đã tăng rất mạnh. Việc tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm thực tế là việc hợp thức hóa lãi suất điều hành chính thức so với lãi suất thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện NHNN tương đối quyết liệt trong việc bảo vệ đồng nội tệ", ông Thế Anh nhận định.
Thời gian tới có còn những đợt tăng lãi suất mạnh hơn?
TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá, cho đến nay VND đã giảm giá khoảng 4%, con số này sẽ có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới nếu áp lực từ FED ngày một cao hơn. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt kết hợp với sử dụng dự trữ ngoại hối nhằm đảm bảo ổn định tỷ giá để hạn chế nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, cơ quan điều hành cũng sẽ phải xem xét để đồng nội tệ không giảm hoặc tăng giá quá mạnh so với các đồng tiền còn lại, vì điều này tỷ giá còn gây ảnh hưởng đến xuất khẩu.
"Việc duy trì chính sách thắt chặt sẽ gây ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch do các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và chi phí sử dụng nợ sẽ gia tăng", ông Huân cho biết.
PGS.TS Phạm Thế Anh cũng đồng quan điểm, song ông nhận định thêm, rất khó dự đoán liệu lãi suất sẽ tiếp tục tăng hay giảm. Vì trong điều kiện hiện nay, thế giới vẫn tồn tại những yếu tố bất ổn. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, tình hình lạm phát trong nước, sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài đến và đi khỏi Việt Nam để đưa ra các chính sách phù hợp.
Từ giờ đến cuối năm, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất và kiên định với mục tiêu chống lạm phát, đồng thời "bão giá" trong nước có xu hướng leo thang, việc tăng lãi suất là khó có thể tránh khỏi. Nếu tình hình lạm phát trên thế giới cũng như nội địa dịu lại, mức độ tăng lãi suất của Mỹ hoặc các ngân hàng trung ương khác trên thế giới chậm lại, NHNN không nhất thiết phải tăng lãi suất.
"Cá nhân tôi chủ quan rằng nếu NHNN tiếp tục tăng lãi suất thì biên độ có thể nhỏ hơn so với đợt tăng 1 điểm % vừa rồi. Con số có thể quanh mức 0,5 điểm phần trăm và không quyết liệt như trước", ông Thế Anh nhận định.