VN-Index và giá trị vốn hoá biến động gần giống nhau. Hàng loạt cổ phiếu điều chỉnh mạnh, nhất là các mã thuộc rổ VN30, khiến vốn hoá trên sàn chứng khoán TP HCM chưa ngày nào về mức 5 triệu tỷ đồng trong nửa tháng trở lại đây.
Vốn hoá hiện tại giảm khoảng 1,3 triệu tỷ đồng (tương ứng 55 tỷ USD) so với thời điểm đầu năm và chênh lệch không đáng kể so với mức đáy chín tháng qua. Nếu so sánh giữa hiện tại với thời điểm VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.530 điểm ngày 4/4/2022, giá trị vốn hoá giảm 1,4 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 59 tỷ USD).
Sàn chứng khoán TP HCM hiện có 402 doanh nghiệp niêm yết, giảm hai doanh nghiệp so với cuối năm ngoái. Vietcombank (VCB) đứng đầu về giá trị vốn hoá với 349.000 tỷ đồng, giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với những phiên giao dịch đầu năm. Xếp tiếp theo trong danh sách vốn hoá là Vinhomes (VHM) 228.000 tỷ đồng và Vingroup (VIC) 224.000 tỷ đồng.
Trong trường hợp VN-Index không thể hồi phục mạnh trong ba tháng tới, cộng thêm không có các đợt niêm yết lớn, đây sẽ là năm đầu tiên giá trị vốn hoá đi lùi trong một thập kỷ.
Năm ngoái, giá trị vốn hoá sàn HoSE đạt 5,83 triệu tỷ đồng, tăng 43% và dẫn đầu khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng vốn hoá. Đà tăng nóng của thị trường chứng khoán đã nâng số lượng doanh nghiệp có vốn hoá tỷ đô thời điểm đó lên 46, trong đó ba doanh nghiệp vốn hoá trên 10 tỷ USD.