Bão số 4 làm gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Thành
Có 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện. Trong đó, Quảng Nam có 4.369 trạm, Đà Nẵng có 3.340 trạm, Quảng Ngãi có 1.718 trạm. Hiện lực lượng chức năng đã khắc phục được 535 trạm biến áp (Quảng Nam là 372 trạm, Đà Nẵng là 163 trạm).
Bão số 4 cũng đã làm gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai.
Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố để nhanh chóng khôi phục hoạt động và bảo đảm an toàn giao thông. Khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân. Hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân. Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.
Ngoài ra, các địa phương cũng được yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ sau bão để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, sát với diễn biến thực tế, không để bị động, bất ngờ, không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác vì những năm gần đây bão không gây thiệt hại về người nhưng mưa lũ sau bão thì luôn có người bị thiệt mạng.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Một ngôi nhà ở TT-Huế tan hoang sau bão. Ảnh: Ngọc Văn
Sáng 28/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, bão số 4 quét qua tỉnh này đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, công trình công cộng, làm nhiều người bị thương. Thông tin ban đầu, bão số 4 đã làm 5 người bị thương nhẹ. Bão số 4 đã làm 1 nhà bị sập và 190 nhà tốc mái. Ngay trong sáng 28/9, các lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích ứng phó mưa bão trên địa bàn đã có mặt tại những địa bàn bị bão gây thiệt hại nặng để giúp dân dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Đối với trường hợp người đi xe máy tử vong trong tối 27/9 tại huyện Phú Vang, đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đang tiến hành xác minh nguyên nhân. |
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, bão Noru hiện gây mưa lớn ở nhiều nơi khu vực miền Trung – Tây Nguyên; mực nước của các sông cũng đang lên cao, nhiều sông đã vượt mức báo động 2 (BĐ).
Mực nước tại các con sông miền Trung đang lên cao, gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Mực nước lúc 7 giờ ngày 28/9 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Quảng Nam) là 7,55m, dưới BĐ 2 khoảng 0,45m. Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Nam và Kon Tum tiếp tục lên. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa khả năng ở mức 8,5m (trên BĐ2 khoảng 0,5m); đỉnh lũ tại hạ lưu sông Đắk Bla tại Kon Tum ở mức BĐ1-BĐ2.
Cảnh báo từ hôm nay (28/9) đến ngày 30/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức BĐ1-BĐ2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, thượng lưu sông Cả (Nghệ An) và sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum, đặc biệt tại các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).