Diễn đàn tập trung vào việc thảo luận, trao đổi để thị trường trái phiếu phát triển hiệu quả và bền vững.
Các chuyên gia đều thống nhất khẳng định sự quan trọng của thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp với vai trò là kênh dẫn vốn trong nền kinh tế. TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết: Nhu cầu của Việt Nam về vốn trung dài hạn (TDH) trong thời gian sắp tới là rất lớn.
Hiện nay, nguồn cung vốn TDH chủ yếu từ các Ngân hàng thương mại (NHTM), trong khi về bản chất các NHTM cho vay ngắn hạn, do chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Vốn ngắn hạn chiếm khoảng 75% - 80% tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Thời gian qua, các NHTM đã phải gồng, phải cố cho vay TDH, chiếm tới 45% -50% tổng dư nợ của mình, quá sức với hệ thống NHTM.
TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường trái phiếu "Nhu cầu trái phiếu rất lớn, mỗi năm Việt Nam cần ít nhất 700 nghìn tỷ đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn ngoài, vốn ngân hàng với nhu cầu đầu tư phát triển từ nay đến 2030".
Vấn đề được các vị chuyên gia đồng tình và thảo luận, đó không phải là "siết" lại thị trường trái phiếu mà là điều chỉnh như thế nào để thị trường trái phiếu hoạt động lành mạnh, hiệu quả hơn.
Trong số các rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực không đồng tình với 3 Không thường được nhắc đến gần đây: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán.
TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia
TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, phát hành trái phiếu không nhất thiết phải có tài sản bảo đảm. "Tài sản đảm bảo, về nguyên tắc không phải là bắt buộc. Bởi vì đây là thị trường, thị trường là có loại trái phiếu không có tài sản, đương nhiên nó rủi ro. Lúc bấy giờ chủ thể phát hành phải trả lãi suất cao hơn. Loại thứ 2 là có tài sản đảm bảo, an toàn hơn, lãi suất thấp hơn.
Chúng ta yêu cầu tất cả đều có tài sản đảm bảo, doanh nghiệp người ta làm sao có được? Bởi vì nếu có tài sản bảo đảm, người ta đi vay. Nên chỗ này cần hết sức chú ý, tài sản đảm bảo nó không phải bắt buộc. Tất nhiên có TSBĐ tốt hơn, an toàn hơn, lãi suất phải trả sẽ thấp hơn."
Đồng tình với ông Lực, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI cũng chia sẻ chúng ta phải chấp nhận thị trường trái phiếu song hành với 2 loại đầu tư. Đây là thị trường đầu tư, không phải là thị trường tiền gửi.
Điều kiện phát hành trái phiếu, ông Đức cho rằng chỉ cần tập trung vào 2 điểm chính: Đẩy nhanh xếp hạng tín nhiệm và minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Không nên áp dụng tài sản bảo đảm khi phát hành trái phiếu và bảo lãnh thanh toán. Trên thực tế, bảo lãnh thanh toán của ngân hàng không khác nào ngân hàng cho doanh nghiệp vay, điều kiện này không có tính khả thi.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường chia sẻ: Thứ bảo đảm cho thị trường trái phiếu phát triển không phải là tài sản, không phải đem BĐS ra bảo lãnh cho DN.
Ví dụ như bên Mỹ, người ta nhìn vào sự thông minh của Elon Musk để mua trái phiếu của Tesla, chứ không phải dựa vào Tesla có bao nhiêu TSBĐ. Người ta mua vì nhìn thấy triển vọng về sự phát triển và tin vào sự thông minh của doanh nghiệp.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, sự tin cậy không phải ở TSBĐ mà nằm ở chính doanh nghiệp tạo nên sự tin cậy với thị trường. Giống như không ai tin Microsoft sẽ bị phá sản. Chúng ta cần nhìn vào quan điểm khác, cái gì là cái cốt lõi bảo đảm cho trái phiếu bền vững, không bị rủi ro?
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường
Trái ngược với quan điểm về tài sản bảo đảm cho trái phiếu, các vị chuyên gia đều đồng tình với tầm quan trọng và việc phải sớm đưa ra xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành. Xếp hạng tín nhiệm được coi là giải pháp hỗ trợ minh bạch hóa thông tin về trái phiếu, giúp nhà đầu tư lựa chọn đúng sản phẩm đầu tư theo "khẩu vị" rủi ro của mình.
Đối với thị trường vốn, xếp hạng tín nhiệm giúp giảm bất cân xứng thông tin giữa các chủ thể tham gia thị trường vốn, cung cấp các phân tích có chiều sâu về rủi ro của đơn vị phát hành công cụ nợ đồng thời là căn cứ quan trọng để hình thành dải lãi suất tham chiếu cho thị trường này.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ bài học kinh nghiệm về xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, quốc gia có nền tài chính lớn nhất thế giới và giá trị thị trường trái phiếu 46.000 tỷ USD, bằng hơn 200 lần GDP của Mỹ và chiếm 38% thị trường trái phiếu toàn cầu.
"Về xếp hạng tín nhiệm, Đạo luật Dodd-Frank của Mỹ đã dành nguyên một chương về xếp hạng tín nhiệm, nên nghiên cứu những điều khoản trong chương này để có thể áp dụng cho Việt Nam, đặc biệt cần quan tâm đến Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014 cần bổ sung nhiều điều khoản, như: Quy định việc các công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC.
Tương tự như Mỹ, các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: Đầu tư và Không đầu tư để các nhà đầu tư nhận đinh ngay mức độ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp", ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Sài Gòn Phát Thịnh Ratings trong phần phát biểu của mình, đã gọi xếp hạng tín nhiệm là "vacxin" cho thị trường trái phiếu phát triển hiệu quả và bền vững.