Đóng cửa, VN-Index giảm 0,93 điểm (0,07%) xuống 1.240,71 điểm, HNX-Index giảm 1,11 điểm (0,36%) xuống 306,91 điểm, UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (0,5%) còn 94,11 điểm.
Thị trường chứng khoán tăng nhẹ trong phiên sáng, có thời điểm ghi nhận VN-Index tăng hơn 10 điểm. Tuy nhiên đến phiên chiều, diễn biến kém sắc của nhóm vốn hóa lớn khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm.
Rổ VN30 ghi nhận 17 mã giảm, 10 mã tăng và 3 mã đứng giá. Trong đó có SAB bất ngờ giảm hơn 6 điểm, cùng với đó là MSN và GAS lần lượt mất 2,6 và 1,3 điểm. Một số cổ phiếu trụ khác cũng có tác động rất tiêu cực lên chỉ số như VCB, VNM, HPG, CTG, VHM,... Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu như GVR, DIG, ACB, DXG, MBB thuộc top5 các mã đóng góp nhiều nhất cho chỉ số chung.
Nhóm bán lẻ công nghệ khá tích cực khi có CTR tăng 2,47%, PNJ tăng 3,82%, DGW tăng hơn 1%. Cổ phiếu dòng thép cũng ghi nhận sự tăng nhẹ đến từ NKG, HSG, TLH.
Khối ngoại phiên hôm nay bán ròng mạnh, với tổng giá trị bán ra đạt 1.297,78 tỷ đồng và mua vào 421,60 tỷ đồng, tương đương bán ròng hơn 420 tỷ đồng trên HOSE.
Chốt phiên ngày 20/5, sàn HOSE ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 504,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 12.460 tỷ đồng. Toàn sàn có 209 mã tăng giá, 223 mã giảm giá và 71 mã tham chiếu.
Sàn HNX khối lượng giao dịch đạt 72,403 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.620 tỷ đồng. Toàn sàn có 99 mã tăng giá, 102 mã giảm giá, 46 mã tham chiếu. Thị trường UPCOM ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 60,583 triệu đơn vị, tương ứng hơn 822,700 tỷ đồng. Toàn thị trường có 214 mã tăng giá, 145 mã giảm giá và 82 mã tham chiếu.
Tính đến 13h50, VN-Index giảm 6,94 điểm (0,56%) xuống 1.234,7 điểm, VN30-Index giảm 7,99 điểm (0,62%) xuống 1.275,56 điểm.
Áp lực bán xuất hiện vào ngay phiên chiều khiến VN-Index và VN30-Index rơi nhẹ về dưới tham chiếu, rổ VN30 ghi nhận 21/30 mã giảm giá. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa cho thấy sự thay đổi, giá trị giao dịch duy trì xấp xỉ phiên trước.
Tạm kết phiên sáng, VN-Index tăng 4,59 điểm (0,37%) lên 1.246,23 điểm, HNX-Index tăng 0,52 điểm (0,17%) lên 308,54 điểm, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (0,22%) xuống 94,37 điểm.
Thị trường chứng khoán trong nước sáng nay có sự vận động tốt quanh mốc 1.240 điểm. Hầu hết các nhóm ngành đều khởi sắc. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực, đóng góp cho đà tăng điểm của chỉ số, tiêu biểu như CTG, MBB, VPB, ACB, TPB, TCB. Đây đều là các mã nằm trong Top ảnh hưởng tích cực lên VN-Index.
Ở dòng phân đạm, hai cổ phiếu DPM và DCM có tăng trên 3,5%, và đều thuộc top các mã được mua ròng mạnh từ khối ngoại.
Sắc xanh bao phủ nhóm VN30 với 21 mã tăng giá, 6 mã giảm giá và 4 mã tham chiếu. Vận động tích cực của nhóm này đóng vai trò dẫn dắt chỉ số. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu là BCM, GAS, VIC, VCB, SAB, HPG tạo lực cản.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang nghiêng về phe bán khi họ đang bán ra 627,64 tỷ đồng và mua vào 421,60 tỷ đồng, tương đương bán ròng hơn 200 tỷ đồng trên HOSE. Tạm khép phiên sáng, Sàn HOSE ghi nhận 253 mã tăng, 163 mã giảm và 73 mã đứng giá. Trên sàn HNX, có 110 mã tăng, 80 mã giảm và 47 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt hơn 8.749 tỷ đồng.
Tính đến 10h30, VN-Index tăng 6,8 điểm (0,53%) lên 1.290,35 điểm, VN30-Index tăng 5,14 điểm (0,41%) lên 1.246,78 điểm.
Sau nhịp rung lắc nhịp, sắc xanh tiếp tục lan tỏa ở khắp các chỉ số, dù thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước. Trong đó, độ rộng nghiêng về bên mua, rổ VN30 ghi nhận 20/30 mã tăng giá. Khối ngoại bán ròng phiên sáng, tập trung ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,...
Nhóm chứng khoán và đầu khí đang cho thấy sự vận động tốt, tiêu biểu có PET tăng trần 6,95%, BVS và VDS có mức tăng trên 2%
Tính đến 9h30, VN-Index tăng 2,11 điểm (0,17%) lên 1.243,75 điểm, HNX-Index tăng 0,2 điểm (0,06%) lên 307,82 điểm, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (0,02%) lên 94,6 điểm.
Phiên hôm qua, thị trường trong nước biến động khá nhẹ nhàng so với biên độ mạnh của thị trường Mỹ, châu Âu và cả châu Á. Dù độ rộng thị trường nghiêng hẳn về số mã giảm với 292 mã. Một số nhóm vốn hóa vừa ghi nhận sự khởi sắc.
Trên thị trường phái sinh diễn biến khá bình lặng so với nhiều phiên trước, hợp đồng tháng 5 tăng nhẹ 2 điểm, đóng cửa tại ngưỡng 1.283 điểm. Cả giá trị giao dịch và số hợp đồng đều được thu hẹp, đạt mức thấp nhất trong tuần do các nhà giao dịch hạn chế mở vị thế với hợp đồng này trong ngày đáo hạn, ghi nhận với 44.801 tỷ đồng và 340.551 đơn vị.
Đến đầu phiên sáng nay, VN-Index mở cửa với sắc đỏ và bật tăng trở lại với nỗ lực hồi phục đến từ nhóm bluechip, midcap & penny. Trong đó, các trụ gồm VIC, VCB, SAB, BCM, HPG thuộc Top5 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số. Trong khi đó, GVR, TCB, MS, ACB, CTG đóng vai trò nâng đỡ.
Quan sát theo nhóm ngành, diễn biến phân hóa phủ bóng lên thị trường với áp lực điều chỉnh đến từ nhóm bất động sản, chứng khoán, đồ uống, thép,... trong khi nhóm ngân hàng, xây dựng & vật liệu, phân bón, hóa chất,... đang nỗ lực củng cố đà đi lên của thị trường.
Trong báo cáo thị trường tháng 5 mới đây, Chứng khoán Bản Việt nhận định, tháng 5 được coi là “vùng trũng” đối với các thông tin hỗ trợ. Theo đó đây là giai đoạn thị trường đi tìm kiếm điểm cân bằng khi “lực cung” vốn vẫn còn quán tính và “lực cầu” thì đến từ các nhà đầu tư theo giá trị khi mức định giá của thị trường và nhiều cổ phiếu ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
Về mặt kỹ thuật, ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index lúc này là vùng dáy tháng 7/2021 tại mức 1.240 - 1.260 điểm và chỉ số này đã hai lần hồi phục sau khi chạm ngưỡng.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 19/5 đóng cửa trong sắc đỏ, áp lực bán ra giữa lo ngại nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái do Fed tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,58% còn gần 3.901 điểm, hiện đang mất 18,7% so với đỉnh lịch sử thiết lập vào tháng 1/2022. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 237 điểm, tương ứng 0,75%, và kết phiên ở 31.253 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,26% còn 11.388,5 điểm, mất hơn 27% trị giá so với đầu năm nay.