Hàng Mã - Con phố trăm tuổi
Hàng Mã xưa kia là dải đất của hai thôn Vĩnh Hanh và Yên Phú, kết nối với nhau bằng đoạn sông Tô Lịch ở giữa. Thời gian lấp đầy khúc sông này theo năm tháng. Không còn đôi bờ sông, hai thôn hòa vào làm một. Bởi vậy, thời Pháp, tuyến phố này được gọi chung là Rue du Cuivre (phố Hàng Đồng). Dân dã hơn thì gọi là phố Hàng Mã, nay nằm tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ảnh tư liệu: Rue du Cuivre (Hàng Mã và Hàng Đồng xưa)
Dân gốc ở phố này có nhiều gia đình sống ở phố Cổng Đục, thuộc thôn Tân Khai, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương được thành lập năm 1822 dưới thời Nguyễn xưa. Họ dọn đến đất này, mở cửa hàng bán đồ giấy và đồ mã nhỏ.
Đồ giấy ở đây được người dân mua về trang trí, như hoa giấy, đèn giấy đủ kiểu đón năm mới dịp xuân sang và đồ mã cúng lễ như mũ, áo quần ông Công ông Táo, vàng giấy,... Bên cạnh đó, con phố này cũng bán đồ tùy táng (minh khí) hoặc làm đám ma, cầu siêu, cầu an hoặc người ta cũng mua ở phố Hàng Mã Vĩ (nay sáp nhập với Hàng Mây thành phố Mã Mây).
Nhiều nét xưa của Hàng Mã đã lặn chìm vào dĩ vãng, nhưng cái hồn của một con phố cổ vẫn đậm nét để tạo nên đặc sắc Hà Nội "ba sáu phố phường".
Ảnh tư liệu: Hà Nội xưa/ Kiến trúc nhà chồng diêm
Phố của những ngôi nhà chồng diêm
Đặc trưng của kiến trúc phố cổ là những ngôi nhà ống hẹp và dài. Phần lớn nhà cửa nơi này đều một tầng với hai tường hồi cao xây giật cấp, đầu nóc là hai trụ đấu. Không gian sống của người dân nơi đây trở nên tinh tế hơn khi những ngôi nhà chồng diêm ra đời.
Nhà chồng diêm là loại nhà hai tầng được xây bằng gạch và gỗ. Gác xép có cửa võng (cửa cỡ nhỏ, cửa tròn, cửa giả) nhìn ra phố. Kiến trúc nhà kiểu này không chỉ thông thoáng mà ánh sáng cũng chan hòa dù diện tích nhỏ.
Ảnh tư liệu: Kiến trúc nhà phố cổ xưa
Mái ngói kiểu nhà chồng diêm nghiêng xuống mặt phố và còn có mái tranh vẩy thêm ra vỉa hè để che nắng, che mưa cho hiên nhà.
Mặc dù, thời xưa, kiến trúc phố cổ đã sớm tiếp xúc với thẩm mỹ kiến trúc của Pháp. Những ngôi nhà phố kiểu Pháp được sơn màu vàng nhạt cùng cửa gỗ màu xanh. Tính mỹ thuật của kiến trúc nhà kiểu này khá cầu kỳ, phần đỉnh mái vươn cao vừa phải được trang trí hoa văn viền quanh. Ban công phải hình bán nguyệt ôm trọn lấy cửa ra vào, lan can được đắp nổi kiểu con tiện.
Ảnh tư liệu: Kiến trúc nhà phố cổ xưa
Nhà phố kiểu Pháp mặt tiền tầng 1 đều cho thuê hoặc buôn bán, kinh doanh. Tầng còn lại là nơi sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, cấu trúc nhà ống ở khu phố cổ cơ bản đã được định hình trước khi người Pháp đến Hà Nội. Bởi vậy, người Pháp cũng tôn trọng tối đa kiến trúc bản địa và xây nhà phố kiểu Pháp vào những mảnh đất trống hoặc thay cho các ngôi nhà bị phá hủy do hỏa hoạn trước đó.
Cứ thế, theo năm tháng, những bờ mái sậm màu bụi bặm thời gian. Hiện nay, cũng nhiều nhà đã thay đổi kiến trúc cho hợp thời, nhưng các mái nhà chồng diêm còn lại vẫn đủ để níu được nét xưa của phố cổ Hà Nội.
@st
Điểm đến yêu thích mỗi dịp lễ, Tết
Khi nghề đồ mã ở phố Mã Mây Vĩ (nay gộp với Hàng Mây thành phố Mã Mây) tàn lụi thì nghề làm đồ mã ở Hàng Mã cũng chẳng khá khẩm hơn mấy. Các tiệm trong phố chủ yếu bán giấy màu, giấy mộc và đèn giấy, đồ trang trí.
Xưa kia, công việc buôn bán ở Hàng Mã đông đúc, nhộn nhịp trước Rằm tháng 7 Âm lịch (lễ xá tội vong nhân) khoảng chừng một tháng. Trước ngày ông Công ông Táo đến trưa ngày 30 Tết Nguyên Đán cũng là thời điểm Hàng Mã rực rỡ sắc màu và ánh sáng.
Hàng Mã trong dáng hình hiện đại
Hàng Mã, một con phố chỉ dài chừng 339m. Phố nhỏ này đã chạy dọc tuổi thơ của bao người Hà Nội, in dấu vào trái tim những du khách phương xa những hồi ức của màu sắc, ánh sáng và sự rực rỡ suốt bốn mùa quanh năm.
Chạy theo hướng Đông sang Tây qua ngã tư các phố Hàng Lược, Thuốc Bắc, Hàng Rươi, Hàng Cót đến Phùng Hưng, Hàng Mã lúc nào cũng nhộn nhịp. Đồ trang trí cho các dịp lễ quanh năm từ Tết Nguyên Đán, Rằm tháng 7 truyền thống đến lễ Tình Nhân, lễ Halloween đến lễ Giáng Sinh “nhập ngoại” ngày một đa dạng, phong phú.
@scorpiot
Tết Nguyên Đán ở Hàng Mã mang phong vị rất riêng. Người ta gọi là nỗi niềm hoài cổ. Nếu dạo bước ở Hàng Mã trong những ngày rét ngọt giáp Tết chuẩn bị đón xuân sang, sự đông đúc của nơi này như kéo người ta ngưng đọng lại trong khoảnh khắc.
@giadoan
Những dải câu đối đỏ, những quầy hàng đồ cổ bán cùng khu Hàng Lược, Hàng Rươi và đầy rẫy các lọ hoa đủ màu sắc thấp thoáng những xấp lì xì đỏ vàng, xa xa là hàng đèn lồng đung đưa, nhấp nháy... Mái ngói cổ rêu phong, cầu thang gỗ cọt kẹt, ban công sắt hoen gỉ,... Cảnh tượng ấy, xuân ấy giữa những ngôi nhà chồng diêm đã đưa con người ta nhất thời "xuyên không" về Hà Nội xưa trong giây lát.
Còn dịp Trung Thu thì huyên náo hơn cả.
Nếu như ngày thường, Hàng Mã vẫn có sắc màu của đồ mã, đồ giấy, thì dịp lễ lớn như Trung Thu, Hàng Mã mới thực sự “lột xác” khoác lên mình vẻ rực rỡ, sống động đầy sinh khí.
Nếu dịp Rằm tháng 7 người ta cũng hối hả, tấp nập sắm lễ ở Hàng Mã theo kiểu lặng lẽ, ngậm ngùi hơn thì dịp đón ánh trăng Rằm tháng 8, tất thảy người dân xa gần sẽ thấy được Hàng Mã có một diện mạo vô cùng bắt mắt.
Nhiều món đồ chơi truyền thống như mặt nạ bồi, đầu lân, trống, đèn ông sao lấp lánh thổi đầy sinh khí một góc phố phường Hà Nội. Từ chiếc chong chóng tre giản dị được phủ giấy màu đến những chiếc đèn lồng, mặt nạ bồi, hình đèn thú rực rỡ sắc màu phải chăng đã biến Hàng Mã trở thành con phố "cháy" nhất, nhiều màu sắc nhất trong 76 phố cổ.
@hothiennga, @buitienthanh, @truongdinhminh
Hàng Mã không chỉ thu hút những người có nhu cầu mua đồ trang trí, đồ mã mà giới trẻ cùng các em nhỏ cũng rất háo hức đến để lưu giữ những bức ảnh đẹp. Người ta còn nói, "phố đã lên đèn, mình chưa lên đồ" tới Hàng Mã thì chưa có trải qua Trung Thu trọn vẹn.
Nét độc đáo của "phố nghề" còn mãi với thời gian
Hàng Mã xưa và nay là một trong những phố buôn bán điển hình của Hà Nội. Và ngày nay, Hàng Mã cũng là một trong những con phố hiếm giữ lại được cái nghề xưa. Trong khi nhiều con phố đã "chuyển nghề" như Hàng Khoai không bán khoai nữa mà bán bát đĩa. Hàng Gà không bán gà vịt nữa mà chuyển sang in thiệp cưới. Còn Hàng Mã vẫn vậy. Nơi đây vặn mình theo thời đại, ngày càng "năng nhặt chặt bị" cho mình nhiều mặt hàng trang trí, đồ mã đủ loại kích cỡ, chất liệu lẫn sắc màu.
Phố nghề tại Thăng Long - Kẻ Chợ xưa được biết đến là mang tính chất truyền đời, sản xuất thô sơ, chắt chiu theo kinh nghiệm và cũng không thay đổi nhiều mẫu mã. Nhưng Hàng Mã của hiện tại đã vặn mình biến đổi theo nhu cầu của thời đại, cũng là một bước thức thời để nuôi giữ linh hồn của tên phố.
***
Ảnh tư liệu: Hàng Mã xưa
Thời gian trôi dần hẳn sẽ làm mất đi con người và cảnh vật, cũng như nhiều ký ức tươi đẹp về Hàng Mã xưa theo nhiều người về thế giới bên kia. Chúng ta cũng không thể nào làm sống lại những điều cũ kỹ từ dĩ vãng nhưng thời gian cũng đã lưu giữ và bồi đắp nên một Hàng Mã sống động và rực rỡ sắc màu của hiện tại.
@hothiennga/ Hàng Mã nay
Hàng Mã của chốn kinh thành xưa và Hàng Mã của Thủ đô ngày nay đều khắc khoải trong tâm thức nhiều người Hà Nội những nỗi niềm riêng và cả những thước phim lưu giữ kỉ niệm đẹp của bất cứ ai đã từng đặt chân đến Hàng Mã.
Ở đó, sắc màu rực rỡ thắp sáng những hoài niệm và cũng không quên tô đậm vẻ đẹp của Hà Nội dấu yêu…