Trung Quốc đang lên kế hoạch áp dụng các biện pháp kiểm soát mới đối với ngành công nghiệp livestream trị giá 30 tỷ USD, nguồn tin thân cận nói với Wall Street Journal.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ thay đổi một số chiến lược quản lý nhằm mục đích kiểm soát các công ty công nghệ đồng thời tạo ảnh hưởng lớn hơn đối với các nội dung mà giới trẻ đang tiêu thụ.
Cơ quan chức năng Trung Quốc đang soạn thoả các quy định mới trong đó hạn chế số tiền người dùng internet sử dụng mỗi ngày cho các hoạt động “tip” trên internet. Bên cạnh đó, những người livestream cũng có thể bị hạn chế số lượng tiền họ nhận được mỗi ngày từ người hâm mộ, đi kèm với đó là việc quản lý nội dung chặt chẽ hơn.
Về phần mình, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc từ chối đưa ra chia sẻ về các thông tin nói trên.
Trong vài năm trở lại đây, các ứng dụng livestream phát triển mạnh tại Trung Quốc trong bối cảnh số lượng người dùng internet và nhu cầu tiêu thụ nội dung cũng tăng mạnh. Hồi năm 2020, Hiệp hội trình diễn nghệ thuật Trung Quốc ước tính quy mô ngành livestream của Trung Quốc ở mốc 30 tỷ USD.
Theo Trung tâm mạng lưới thông tin internet Trung Quốc, các dịch vụ livestream tại Trung Quốc đang được khoảng 70% người dùng internet nước này sử dụng. Cụ thể, con số này tương đương với 700 triệu người dùng vào năm ngoái.
Nhiều người livestream (livestreamer) kiếm được tiền hoa hồng từ những sản phẩm mà họ quảng bá. Tuy nhiên, một nguồn thu nhập quan trọng khác đến từ hình thức quà tặng và tiền “tip” trực tuyến.
Một số livestreamer nổi tiếng thậm chí có đội ngũ marketing riêng hỗ trợ phía sau và có thể kiếm được hàng chục nghìn USD mỗi ngày từ các khoản đóng góp của người hâm mộ. Một số ít trường hợp còn có thể kiếm được hàng triệu USD thu nhập thông qua tài trợ và quảng bá cho các nhãn hàng, theo WSJ.
Thực tế, trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang tăng cường quản lý lĩnh vực internet, đặc biệt là đối với người dùng trẻ.
Năm ngoái, Trung Quốc thắt chặt quản lý các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến, đồng thời giới hạn lượng thời gian người trẻ có thể dành ra để chơi game. Động thái này làm ảnh hưởng không ít tới tâm lý nhà đầu tư vào mảng công nghệ ở Trung Quốc.
Từ năm ngoái, các cơ quan quản lý lĩnh vực internet và Bộ Văn hoá Trung Quốc đang bắt đầu nhận phản hồi với các quy định về livestream từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực này và các chuyên gia. Mục tiêu của dự án là loại bỏ nguy cơ lừa đảo, nghiện điện thoại do động và chi tiêu không hợp lý trên internet.
Một nguồn tin cho biết các cơ quan quản lý đang thảo luận hạn mức tối đa mỗi ngày mà livestreamer có thể nhận được là 10.000 nhân dân tệ (1.570 USD). Cơ quan quản lý Trung Quốc cũng lo ngại người trẻ có thể khát khao trở thành livestream vì các khoản thu nhập béo bở.
Năm 2011, cơ quan quản lý internet Trung Quốc và 6 cơ quan chính phủ khác đưa ra một bộ hướng dẫn tự nguyện cho ngành livestream. Thời điểm đó, các nhà điều hành gợi ý các nền tảng internet giới hạn lượng tiền “tip” quà quà tặng ảo mà các livestreamer có thể nhận được mỗi ngày song không nêu rõ số lượng. Đồng thời, các cơ quan chức năng khuyến khích việc kiểm soát gắt gao hơn các livestreamer.
Năm 2020, Cơ quan Quản lý truyền hình và phát thanh quốc gia Trung Quốc yêu cầu các livestreamer và người hâm mộ sử dụng tên thật khi đăng ký các nền tảng. Cơ quan này đồng thời cấm các các nhân dưới 18 tuổi thực hiện mua quà tặng ảo và thực hiện tặng tiền “tip”.
Ở một động thái khác, Trung Quốc cũng thắt chặt quản lý mảng thương mại điện tử (TMĐT) thông qua livestream. Cuối năm ngoái, cơ quan thuế Trung Quốc phạt 4 livestreamer nổi tiếng số tiền lên tới 112,4 triệu USD.
Quy định mới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty mạng xã hội Trung Quốc có doanh thu lớn đến từ hoạt động livestream. Huya, một dịch vụ livestream có nhà đầu tư lớn nhất là Tencent, cho biết livestream đóng góp tỷ trọng tới hơn 80% tổng doanh thu của nó trong năm 2021, tương đương 1,8 tỷ USD.