Doanh nghiệp

Các cổ đông liên quan Bamboo Capital nắm giữ gần 90% cổ phần Dược phẩm Tipharco (DTG)

Sáng 31/3/2022, Công ty Cổ phần Dược phẩm Tipharco (UpCOM: DTG) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ 2022. Ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital (HoSE: BCG) được bầu làm tân Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025.

Trước khi ĐHĐCĐ 2022 của Tipharco diễn ra, ông Nguyễn Hồ Nam đang là cổ đông lớn, nắm giữ 1.570.000 cổ phiếu DTG, tương đương tỷ lệ 24,86%. Theo thông tin công bố tại đại hội, ông Nguyễn Hồ Nam và nhóm cổ đông liên quan Bamboo Capital đang nắm giữ gần 90% cổ phần Tipharco.

Kết quả kinh doanh năm 2021, Tipharco đạt tổng doanh thu 203,3 tỷ đồng, tương đương 83,07% kế hoạch. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 920 triệu đồng, chỉ bằng 14% kế hoạch năm. Nguyên nhân không đạt kế hoạch kinh doanh năm 2021 được Tipharco lý giải là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tipharco phải ngưng hoạt động từ tháng 7 đến tháng 10/2021 theo yêu cầu phòng chống dịch tại địa phương và phát sinh chi phí 3 tại chỗ cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng dược phẩm.

Do lợi nhuận sau thuế thấp nên ĐHĐCĐ Tipharco đã thống nhất thông qua tờ trình không phân phối lợi nhuận 2021. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, công ty sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên sau khi kết thúc năm tài chính 2022, mức cổ tức dự kiến khoảng 10%.

Theo kế hoạch kinh doanh 2022, Tipharco đặt mục tiêu doanh thu 260 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 10 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 28% và 985% so với năm 2021. Kết quả kinh doanh sơ bộ Quý 1/2022 khá khả quan khi doanh thu đạt 63 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3,2 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ 2022 của Tipharco cũng thông qua nội dung quan trọng là miễn nhiệm 6 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025, bầu HĐQT mới gồm 7 thành viên. Ông Nguyễn Hồ Nam đắc cử tân Chủ tịch HĐQT Tipharco. Ban Kiểm soát Tipharco cũng bầu bổ sung hai thành viên mới của nhiệm kỳ 2021-2025.

Hầu hết các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát mới của Tipharco đều là nhân sự có liên quan đến Bamboo Capital. Sự kiện Tipharco "về tay" Bamboo Capital một lần nữa khẳng định tham vọng phát triển đa ngành của Tập đoàn này. Lâu nay, Bamboo Capital vẫn được biết đến với thế mạnh M&A và tái cơ cấu thành công các doanh nghiệp, các dự án tiềm năng. Tracodi (HoSE: TCD) chính là trường hợp điển hình được Bamboo Capital M&A và tái cơ cấu vô cùng thành công. Hay mới đây, Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA đã có nhiều thay đổi tích cực sau khi về hệ sinh thái Bamboo Capital. Sự có mặt của Bamboo Capital tại Tipharco khiến các cổ đông kỳ vọng vào sự "lột xác" của công ty dược phẩm này ngay trong năm 2022.

Lâu nay, Bamboo Capital vẫn được biết đến với thế mạnh M&A và tái cơ cấu thành công các doanh nghiệp, các dự án tiềm năng. Tracodi (HoSE: TCD) chính là trường hợp điển hình được Bamboo Capital M&A và tái cơ cấu vô cùng thành công. Hay mới đây, Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA đã có nhiều thay đổi tích cực sau khi về hệ sinh thái Bamboo Capital. Sự có mặt của Bamboo Capital tại Tipharco khiến các cổ đông kỳ vọng vào sự "lột xác" của công ty dược phẩm này ngay trong năm 2022. Sự kiện này cũng đánh dấu việc Bamboo Capital hoàn thiện hệ sinh thái của mình gồm 7 mảng hoạt động: Năng lượng tái tạo, Xây dựng - Hạ tầng, Bất động sản, Sản xuất - Thương mại, Tài chính - Bảo hiểm, Dịch vụ quản lý và phân phối bất động sản, và Dược phẩm.

Theo kế hoạch, Tipharco sẽ có những thay đổi mạnh mẽ và toàn diện để cải thiện biên lợi nhuận, tăng doanh thu và lợi nhuận trong các năm tới. Đầu tiên, Tipharco dự kiến mở rộng hệ thống phân phối, tăng độ phủ tới các nhà thuốc; Đầu tư hệ thống phân phối bán lẻ sâu rộng cho tầm nhìn 10 năm; Văn hóa bán hàng tận tình, chu đáo là giá trị cốt lõi mà công ty cam kết và thực thi trong quá trình mở rộng hệ thống phân phối.

Về sản xuất, Tipharco định hướng sẽ sản xuất các sản phẩm chủ lực, tăng cường thu mua và dự trù nguyên vật liệu, bao bì; từng bước nâng công suất nhà máy dược liệu khi hiện nay nhà máy dược liệu mới đạt 5% công suất.

Về sản phẩm, Tipharco xác định ngành hàng chiến lược là kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, tim mạch, tiểu đường, tiêu hóa, hô hấp, các sản phẩm điều trị COVID và hậu COVID, và thuốc Đông dược. Tipharco định hướng sẽ đầu tư chiều sâu vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), đây vốn là hoạt động cốt lõi và thế mạnh của công ty trong 46 năm qua. Tipharco cũng sẽ chú trọng tập trung phát triển thương hiệu, nâng cao vị thế và sản phẩm trên thị trường. Các yếu tố khác như bao bì sản phẩm, quy trình sản xuất, hệ thống kiểm soát chất lượng sẽ được tối ưu hóa.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ Tipharco, Ông Đặng Việt Anh - Phó Chủ tịch HĐQT Tipharco cho biết Tipharco sẽ xây dựng Hệ thống quản trị, vận hành theo hệ thống, đầu tư vào môi trường làm việc, đào tạo nhân sự với tầm nhìn dài hạn. Trước mắt, Tipharco sẽ dành khoảng 20 tỷ đồng để hoàn chỉnh máy móc thiết bị cho nhà máy hiện tại và số hóa công ty.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn, ngay trong năm 2022, Tipharco sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành 1:3 để nâng vốn điều lệ từ 63 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng. Mục tiêu dài hạn của Tipharco là đầu tư xây dựng nhà máy chuẩn EU với chi phí đầu tư dự kiến 25 triệu USD

ĐHĐCĐ Tipharco cũng thông qua tờ trình về việc chuyển sàn, sau khi tăng vốn thành công, Tipharco dự kiến chuyển từ UpCOM sang niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) trong năm 2023.

Tipharco được thành lập năm 1976 với tên gọi Công ty Dược phẩm Tiền Giang, qua nhiều lần chuyển đổi hình thức hoạt động và tên gọi, Dược phẩm Tiền Giang chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Dược phẩm Tipharco vào năm 2006. Đây là một trong những công ty dược phẩm có lịch sử lâu đời với hơn 46 năm hình thành và phát triển, có kinh nghiệm sản xuất và quy mô hàng đầu miền Tây Nam Bộ.

Tipharco có hơn 200 sản phẩm được giới chuyên môn và người tiêu dùng đánh giá cao. Công ty cũng sở hữu 3 nhà máy nhà máy sản xuất Dược phẩm Non Betacham, Betacham; Nhà máy sản xuất Dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm