Chứng khoán

Dòng tiền trở lại nhóm cổ phiếu "họ FLC"

Các cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết đang có dấu hiệu hồi phục sau chuỗi giảm bốn phiên liên tiếp vì thông tin ông bị khởi tố, bắt với cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán".

FLC sáng nay giảm sàn còn 10.250 đồng, vùng giá thấp nhất kể từ giữa tháng 8 năm ngoái. Tương tự, ROS cũng lao dốc về 6.570 đồng.

Hai cổ phiếu đều trong tình trạng "trắng bên mua" suốt buổi sáng nhưng thanh khoản đã cải thiện đáng kể. FLC có hơn 22 triệu đơn vị được sang tay, còn ROS cũng xấp xỉ 25 triệu đơn vị.

Đến đầu phiên chiều, lực mua ồ ạt giúp toàn bộ lượng cổ phiếu chờ bán tại giá sàn gần 30 triệu đơn vị được hấp thụ. Lúc 13h05, khối lượng khớp lệnh của FLC đã vượt 57 triệu, nhiều hơn sáu phiên giao dịch gần nhất cộng lại. ROS cũng khớp đến 46 triệu đơn vị.

Thị giá hai mã này cũng được kéo lên đáng kể, lần lượt ở 10.800 đồng và 6.970 đồng.

Tín hiệu "giải cứu" thể hiện rõ hơn ở các cổ phiếu khác trong hệ sinh thái của tập đoàn này. AMD và HAI giảm mạnh lúc mở cửa nhưng sau đó đổi chiều, lần lượt tăng 3,2% và 3,3%. Mức tăng còn mạnh hơn ở KLF với mức tăng trần 10% và ART với 8,7%. Thanh khoản các mã này đều dao động 4-10 triệu đơn vị.

Diễn biến giá các cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC. Ảnh: VNDS.

Diễn biến giá các cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC. Ảnh: VNDS.

Lúc đóng cửa, AMD, HAI, KLF và ART đều chạm trần và không có bên bán. Một số mã thậm chí còn có khối lượng chờ mua tại giá trần hơn 6 triệu đơn vị.

FLC và ROS vẫn giảm điểm, nhưng biên độ chỉ còn 1,4% và 2%. Có thời điểm hai mã này đã vượt qua tham chiếu lên mức cao nhất trong phiên là 11.450 đồng và 7.200 đồng. FLC ghi nhận thanh khoản bùng nổ với 100 triệu cổ phiếu được sang tay, còn ROS hơn 88 triệu cổ phiếu.

Diễn biến này tương tự kịch bản của những đợt sóng trước đây. Các cổ phiếu này thường mất khoảng 1-2 tháng để leo từ "chân sóng" đến đỉnh bằng nhiều chu kỳ tăng mạnh 3-4 phiên (thậm chí tăng trần), sau đó điều chỉnh 1-2 phiên. Dấu hiệu đỉnh của những đợt sóng này là cổ phiếu sẽ lao dốc nhiều phiên với thanh khoản giảm dần hoặc mất thanh khoản. Vài phiên sau đó, giá lẫn thanh khoản sẽ bật mạnh rồi đi ngang một thời gian trước khi đợt sóng mới hình thành.

Giám đốc đầu tư một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Hà Nội cho rằng không khó nhận ra kịch bản tạo sóng của các mã này nếu nhìn lại diễn biến trong quá khứ. Tuy nhiên, dự báo được diễn biến không có nghĩa sẽ nắm chắc phần thắng bởi tính đầu cơ của các cổ phiếu này quá cao.

"Rất khó để nói bạn sẽ bắt đáy hay bắt dao rơi trong những trường hợp lên đỉnh nhanh và lao dốc không phanh thế này", vị này nói, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng khi ra quyết định và giữ kỷ luật theo chiến lược đầu tư của bản thân.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm