Tài chính

Trung Quốc phát triển dịch vụ chăm sóc người già tại nhà và khu dân cư

Trung Quốc cũng khuyến khích xã hội tham gia phát triển các dịch vụ chăm sóc người già, đặc biệt là chăm sóc tại gia đình và khu dân cư, bởi điều này phù hợp với truyền thống văn hóa Trung Quốc.

Người già Trung Quốc. Ảnh: VCG.

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Bộ Dân chính Trung Quốc Lục Trị Nguyên (Lu Zhiyuan) đưa ra trong một cuộc phỏng vấn bên lề Kỳ họp thứ hai Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) khóa 14 tại Bắc Kinh hôm 8/3.

Ông cho biết, đến cuối năm 2023, số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã lên đến 297 triệu người, chiếm 21,1% tổng dân số. Theo ông, tình trạng già hóa dân số ở nước này có 3 đặc điểm nổi bật, gồm quy mô dân số già lớn, tốc độ già hóa nhanh và nhiệm vụ giải quyết tình trạng già hóa dân số nặng nề.

Theo vị bộ trưởng này, trong thời gian tới, Bộ Dân chính Trung Quốc sẽ tích cực thực hiện chiến lược quốc gia về giải quyết vấn đề già hóa dân số bằng cách tăng cường đổi mới thể chế và hỗ trợ chính sách. Cụ thể, nước này sẽ tiếp tục tập trung kiện toàn hệ thống an sinh xã hội, giải quyết vấn đề nguồn vốn chăm sóc người già, cũng như kiện toàn hệ thống dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người cao tuổi.

Ông cho biết thêm, Trung Quốc sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình kết hợp giữa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tại cộng đồng và các cơ sở dưỡng lão. Theo quan chức này, hầu hết người cao tuổi Trung Quốc chọn dịch vụ chăm sóc tại nhà, bởi đây là một phần truyền thống văn hóa của nước này.

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu này, Trung Quốc sẽ cải tạo nhà ở thân thiện với người già và thiết lập một số giường chăm sóc tại nhà thông minh, hỗ trợ bữa ăn cho người cao tuổi, yêu cầu các cơ sở dưỡng lão cung cấp các dịch vụ tại nhà cho người già, như hỗ trợ dọn dẹp, tắm rửa, đặc biệt là thiết lập cơ chế quan tâm, thăm hỏi người già neo đơn, không nơi nương tựa...

Được biết, hiện nay, nhiều địa phương ở Trung Quốc đang thí điểm và thực hiện các mô hình cung cấp dịch vụ dưỡng lão cho người cao tuổi ngay tại nhà và khu dân cư, bằng việc áp dụng công nghệ cao và thu hút nguồn lực xã hôi. Đây cũng là cách làm nhằm hướng tới mục tiêu “thịnh vượng chung” hay “cùng giàu” của Đảng và nhà nước Trung Quốc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm