Việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật ngân sách diễn ra chỉ vài giờ trước khi gói chi tiêu hiện tại hết hạn, qua đó ngăn chặn được nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần sau nửa đêm.
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật với tỷ lệ 75 - 22 sau khi bỏ phiếu về một số sửa đổi của đảng Cộng hòa nhưng không thành công tại phiên họp. Dự luật quản lý ngân sách cho hơn 10 cơ quan liên bang và các cơ quan độc lập tài trợ cho lĩnh vực giao thông, năng lượng, nhà ở, nông nghiệp và cựu chiến binh, cùng những chương trình khác cho đến cuối tài khóa 2024 (kết thúc vào ngày 30/9 tới).
Việc thông qua gói chi tiêu này, diễn ra sau cuộc tranh cãi giữa các đảng về những yêu cầu sửa đổi của đảng Cộng hòa kéo dài trong suốt ngày 8/3, thể hiện thành công thực sự đầu tiên của Quốc hội Mỹ trong việc tài trợ cho chính phủ trong hơn 5 tháng, chấm dứt vòng đàm phán chi tiêu hỗn loạn do cuộc đấu đá nội bộ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Giờ đây, trước hạn chót vào ngày 22/3, các nhà phân bổ ngân sách và các nhà lãnh đạo quốc hội sẽ xem xét hoàn tất công việc liên quan đến gói chi tiêu thứ hai lớn hơn nhiều để tài trợ cho khoảng 70% ngân sách chính phủ, bao gồm các lĩnh vực quân sự, y tế, giáo dục và lao động.
Dự luật trị giá 467,5 tỷ USD đã được Thượng viện Mỹ thông qua và được gửi đến Tổng thống Joe Biden để ký ban hành thành luật.
Trước đó, vào ngày 7/3, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật này.
Dự luật ngân sách mà Thượng viện Mỹ đã thông qua vào tối 8/3 tuân thủ các giới hạn chi tiêu được đặt ra theo thỏa thuận giới hạn nợ mà Tổng thống Biden đã ký với cựu Chủ trịch Hạ viện McCarthy vào mùa hè năm 2023, cũng như thỏa hiệp mới đã được đưa ra với tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson vào tháng 1/2024. Do các nhà lãnh đạo đã quyết định giữ mức tài trợ phi quốc phòng về cơ bản không thay đổi theo các thỏa thuận trên nên hầu hết những cơ quan và chương trình liên bang nằm trong gói 6 gói chi tiêu đều sẽ nhận được mức tăng hoặc giảm nhẹ ngân sách của họ cho đến cuối tháng 9.