Kinh doanh

Trung Quốc đưa một mặt hàng quan trọng của Mỹ vào danh sách áp thuế 125%: Từng nhập khẩu 360.000 thùng/ngày, kim ngạch tăng 40% trong năm 2024

Tóm tắt:
  • Mỹ Trung có mối liên kết đặc biệt trong mặt hàng propan.
  • Căng thẳng thương mại khiến giá propan của Mỹ giảm 15%.
  • Trung Quốc chiếm phần lớn tăng trưởng xuất khẩu propan của Mỹ năm 2024.
  • Trung Quốc không thể thay thế propan của Mỹ, hai thị trường gắn bó.
  • Dự báo cung ứng nội địa Mỹ sẽ dư thừa do thị trường xuất khẩu giảm.

Căng thẳng và thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang đã ảnh hưởng đến mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ: Nguyên liệu hóa dầu, điển hình là propan – một hợp chất được sản xuất qua quá trình xử lý dầu mỏ hay khí tự nhiên.

Cụ thể, Trung Quốc đã đưa propan vào danh sách chịu thuế trả đũa 125% cùng với khí tự nhiên hóa lỏng và dầu thô. Điều này đã khiến giá propan tại Mỹ giảm 15% kể từ thời điểm công bố. Giá tàu chở mặt hàng này cũng theo đà giảm mạnh.

Năm ngoái, lượng xuất khẩu propan từ Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục kể từ khi bắt đầu theo dõi vào năm 1973. Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) vào tháng trước, lượng xuất khẩu mặt hàng này đã tăng trong 17 năm liên tiếp khi sản lượng khí đốt tự nhiên bùng nổ kéo theo nhu cầu về hóa dầu tại châu Á tăng lên, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Cũng theo EIA, xuất khẩu propan của Mỹ năm ngoái đã tăng 13% so với năm trước nhờ nhu cầu cao hơn ở Châu Á. Tiêu thụ của Trung Quốc chiếm phần lớn mức tăng trưởng đó, với lượng xuất khẩu propan của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng 40% vào năm 2024.

Đây không phải là mặt hàng duy nhất bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Trung Quốc đã ngừng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ và chuẩn bị ngừng mua dầu thô. Tuy nhiên propan là một mặt hàng đặc biệt.

"Trung Quốc không thể thay thế propan của Mỹ và Mỹ cũng không thể tìm được ngay thị trường thay thế cho nhu cầu propan của Trung Quốc", Julian Renton, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu năng lượng East Daley Analytics chia sẻ. "Hai thị trường này có liên kết với nhau và chúng sẽ không thể tách rời".

Trung Quốc là nước nhập khẩu propan lớn thứ hai của Mỹ, đồng thời là nước nhập khẩu etan lớn nhất của Mỹ - một mặt hàng hóa dầu khác. Theo dữ liệu từ EIA được Fortune trích dẫn, Trung Quốc tiếp nhận gần một nửa lượng etan của Mỹ. Đối với propan, Trung Quốc chiếm khoảng 360.000 thùng/ngày trong lượng nhập khẩu từ Mỹ, trong khi phần còn lại của thế giới tiếp nhận 1,5 triệu thùng/ngày.

EIA cũng đã báo cáo vào đầu tháng này rằng xuất khẩu propan của Canada đã tăng đều đặn trong vài năm qua—đặc biệt là sang Châu Á. EIA cho biết vào năm ngoái xuất khẩu propan của Canada sang Châu Á chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của mặt hàng này. Những mặt hàng xuất khẩu này chủ yếu đến Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng với cuộc chiến thuế quan vẫn đang diễn ra, điều này có thể thay đổi.

Trong khi đó, người Mỹ sử dụng propan để sưởi ấm sẽ có một số tin tốt. Khi không có đủ thị trường xuất khẩu thay thế cho tất cả propan mà Mỹ từng bán cho Trung Quốc, điều này có nghĩa là tình hình cung ứng trong nước sắp chuyển sang thặng dư khiến giá sẽ giảm mạnh.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.

Vinhomes đẩy mạnh phát triển các siêu dự án, đặt mục tiêu doanh thu 180.000 tỷ đồng năm 2025

Công ty Cổ phần Vinhomes (Mã CK: VHM) tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông Thường niên năm 2025. Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu dự kiến đạt 180.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 42.000 tỷ đồng - khẳng định quyết tâm tăng trưởng mạnh mẽ khi thị trường bất động sản bước vào giai đoạn khởi sắc.

Vì sao nhiều người rút tiền gửi ngân hàng?

Lãi suất huy động giảm khiến việc gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn và dòng tiền dần rút khỏi ngân hàng. Các ngân hàng phải tìm cách xoay xở để thu hút nguồn vốn phục vụ nền kinh tế.