Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có chỉ đạo tới Bộ Công Thương, liên quan đến đơn cầu cứu khẩn cấp của Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, trước nguy cơ xảy ra sự cố và gián đoạn vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam.
Bộ Công Thương giải quyết vướng mắc chủ đầu tư theo thẩm quyền
Theo đó, Bộ Công Thương được yêu cầu xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật các kiến nghị của Công ty Trung Nam Thuận Nam tại đơn cầu cứu. Việc này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý nội dung này trước ngày 5-5.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vận hành hệ thống điện quốc gia, kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh. Tuyệt đối không để xảy ra sự cố hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia do các nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo đơn cầu cứu khẩn cấp được Công ty Trung Nam gửi tới Chính phủ, nhà máy điện mặt trời Trung Nam kết hợp với đường dây truyền tải 500kV Thuận Nam được công ty này đầu tư tại Ninh Thuận, đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng doanh thu từ nguồn phát điện.
Đặc biệt, hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam vận hành đến nay đã gần 4 năm, các thiết bị hoạt động liên tục rất có thể xảy ra hư hỏng.
Bởi ngoài việc truyền tải nguồn điện từ dự án điện mặt trời Trung Nam, dự án đường dây 500kV Thuận Nam còn giúp giải tỏa công suất cho toàn bộ các dự án năng lượng khác trong khu vực, bao gồm Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, công suất 1.432MW, nhưng lại không đủ kinh phí để bảo trì.
Theo Công ty Trung Nam, việc các thiết bị hoạt động với công suất cao đã đặt nhà máy vào nguy cơ xảy ra hư hỏng thiết bị và cần được thay thế càng lớn. Vì vậy, trong bối cảnh thiếu hụt doanh thu kéo dài khiến chủ đầu tư không thể đảm bảo nguồn kinh phí để đầu tư, mua sắm vật tư dự phòng, thay thế thiết bị hư hỏng. Thậm chí, doanh thu không đủ chi trả tiền lương cho cán bộ nhân viên, người lao động.
“Với tình hình này, nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng, khả năng sập hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam là rất cao, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, trong đó bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư BOT Vân Phong” - Công ty Trung Nam bày tỏ.
EVN chậm thanh toán do giấy phép hoạt động điện lực chưa đầy đủ?
Công ty Trung Nam lý giải việc thiếu hụt nghiêm trọng doanh thu từ nguồn phát điện là do đến nay vẫn chưa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán đối với phần sản lượng đã ghi nhận.
Cụ thể, đối với phần công suất 172/450MW của nhà máy đã phát điện lên lưới từ ngày 1-10-2020 đến ngày 31-8-2022, EVN ghi nhận sản lượng khoảng hơn 687 triệu kWh (tương đương 813,6 tỉ đồng được tạm xác định theo khung giá điện của các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp).
Chủ đầu tư cho hay dù đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá chỉ bằng 40% mức giá khung để hỗ trợ giải quyết khó khăn về tài chính, tuy nhiên vẫn chưa được xem xét giải quyết.
Một trong những vướng mắc khó khăn là dự án này được đầu tư triển khai xây dựng trên ba xã là Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh, huyện Thuận Nam. Tuy nhiên, giấy phép hoạt động điện lực cấp cho nhà máy này chỉ thể hiện ở xã Phước Minh.
Do vậy, từ tháng 10-2023 đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc địa bàn xã Phước Minh. Theo đó, tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng 274,2 tỉ đồng.
Để tránh nguy cơ xảy ra những sự cố nghiêm trọng đối với trạm biến áp 500kV Thuận Nam, gây thiệt hại đến hệ thống truyền tải điện quốc gia, công ty này kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn về tài chính, đảm bảo đủ kinh phí duy trì vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam ổn định, an toàn.