Thời sự

Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh tái cấu trúc vốn các doanh nghiệp xăng dầu, dầu khí nhà nước

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 25/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia/tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu thiết kế, điều kiện bảo đảm môi trường, đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các công trình xăng dầu, khí đốt (nếu có) để phù hợp với các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy.

Hoạt động khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ. (Nguồn: Petrovietnam).

 Phó Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến dự trữ quốc gia đối với xăng dầu, khí đốt; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia đối với xăng dầu, khí đốt.

Về đảm bảo nguồn lực tài chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc vốn, thoái vốn các doanh nghiệp xăng dầu, dầu khí nhà nước; xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ; tập trung nguồn vốn cho các dự án có hiệu quả kinh tế cao.

 Để thành công thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, các doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư.

Ngoài ra, phải đa dạng hóa các hình thức vay vốn: ngân hàng, tín dụng xuất khẩu, vay ưu đãi của chính phủ, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế.

Đồng thời, phải cân đối ngân sách nhà nước để đảm bảo mục tiêu về dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu, dầu thô, khí đốt phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

Về phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy, Kế hoạch yêu cầu đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm làm chủ công nghệ đối với hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

 Đối với công tác quản lý, khai thác hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt, cần triển khai mạnh mẽ và đồng bộ giải pháp chuyển đổi số, tận dụng các tiến bộ của công nghiệp 4.0 để tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Phó Thủ tướng lưu ý cần kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông xăng dầu, khí đốt từ khâu nhập hàng đến quá trình tồn chứa tại kho và xuất sản phẩm đi tiêu thụ. 

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, các doanh nghiệp phải chú ý thực hiện nghiêm ngặt quy định về phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất.

Thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường, biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước theo quy định.

Thực hiện sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. Bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái, diện tích đất chuyên trồng lúa, đất rừng, hành lang bảo vệ nguồn nước, các di sản đã được xếp hạng, phù hợp với phân vùng bảo vệ môi trường quốc gia và quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước.

 Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân triển khai Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch trong phạm vi chức năng, quyền hạn và theo thẩm quyền. 

Cụ thể, Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức công bố, cung cấp thông tin quy hoạch, theo dõi và đánh giá thực hiện. Bộ Công thương sẽ phối hợp với các địa phương trong việc lập quy hoạch tỉnh và phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.

Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc rà soát, đảm bảo nguyên tắc đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định chủ trương đầu tư nhưng đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành án (nếu có); rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các nội dung sửa đổi phù hợp (nếu có).

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổng hợp nguồn vốn triển khai dự án đầu tư công trung hạn và hàng năm, trình cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước. Qua đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu về dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu, dầu thô, khí đốt phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

 Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025 của các tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; thẩm tra khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chức năng được giao, về đánh giá tác động môi trường khi thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó có phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

 Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa các chính sách phát triển hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt phù hợp với địa phương, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đúng quy định.

 Các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất, mặt nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ chiến lược quốc gia; các dự án đảm bảo mục tiêu quốc phòng - an ninh, an sinh - xã hội; các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt thay thế trước khi thực hiện di dời, giải tỏa để đảm bảo không gián đoạn nguồn cung.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm