Báo cáo tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 chiều 26/4 tại TP HCM, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, năm 2023, tổng lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt Nam đạt gần 530 triệu USD, giảm 17% so với năm trước đó. Sự sụt giảm này cho thấy bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu.
“So với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm nhẹ 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn”, ông Huy nhìn nhận.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia.
Lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Lĩnh vực Giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực Nhân sự và Du lịch/ Khách sạn cũng chứng kiến mức đầu tư tăng mạnh so với năm trước.
Năm 2023, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore, theo sau là các nhà đầu tư Việt Nam.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết, năm 2023, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển đáng kể khi vượt cơn gió ngược toàn cầu. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong thu hút lượng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech và trí tuệ nhân tạo.
“Với lực lượng dân số trẻ đông đảo, đam mê công nghệ và sự quyết tâm, vào cuộc của các cơ quan trung ương, địa phương, Việt Nam đang dần khẳng định là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu”, ông Đông nêu rõ.
Ngoài ra, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường công nghệ cao toàn cầu. Hai lĩnh vực có nhiều hứa hẹn là ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Đây là những lĩnh vực chiến lược và động lực phát triển mới để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để tận dụng tối đa những cơ hội này, Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án Đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giữa các trường đại học với các doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thể đáp ứng nhu cầu của các ngành nói trên. Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
“Bằng cách trang bị cho lực lượng lao động những kiến thức và kỹ năng cần thiết, Việt Nam có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và đảm bảo mình có lợi thế cạnh tranh trong cuộc cạnh tranh công nghệ cao toàn cầu”, ông Đông nhấn mạnh.