Ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh (Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cùng con gái Trần Uyên Phương (Phó tổng giám đốc). Một người con khác của ông Thanh là Trần Ngọc Bích cũng bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Động thái trên diễn ra sau khi các cá nhân này bị tố cáo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Cưỡng đoạt tài sản là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11/2020.
Sau khi ông Trần Quí Thanh và hai con gái bị tạm giam, Tân Hiệp Phát đã có thông báo về việc bổ nhiệm ông David Riddle vào vị trí Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của Tân Hiệp Phát thay cho ông Thanh.
Theo giới thiệu ông David Riddle có nhiều kinh nghiệm quản lý ở các tập đoàn lớn trên thế giới, đã tham gia hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát hơn 13 năm qua với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Tân Hiệp Phát.
Bà Phạm Thị Nụ và ông Trần Quí Thành cùng hai cô con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng bổ nhiệm ông David Riddle vào vị trí Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật, Tập đoàn Tân Hiệp Phát tiếp tục có sự thay đổi ở vị trí nhân sự cấp cao.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp từ giữa tháng 5/2023, bà Phạm Thị Nụ - vợ của ông Trần Quí Thanh đã trở thành Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tân Hiệp Phát từ ngày 15/5. Dù vậy, trên website chính thức của Tân Hiệp Phát không giới thiệu trực tiếp về chức vụ hay hồ sơ của bà Phạm Thị Nụ. Trong khi đó, ông David Riddle vẫn giữ nguyên vai trò Phó giám đốc kiêm người đại diện pháp luật doanh nghiệp này.
Trước khi có những sự thay đổi nhân sự cấp cao sau khi ông Trần Quí Thanh và hai con gái bị tạm giam, cuối năm 2022 Tân Hiệp Phát cũng liên tục có sự biến động mạnh về vốn điều lệ.
Theo đó, vào tháng 9/2022, Tân Hiệp Phát tăng mạnh vốn điều lệ từ 176 tỷ đồng lên hơn 1.705 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ góp hơn 929,5 tỷ đồng (54,493%), bà Trần Uyên Phương góp hơn 501 tỷ đồng và bà Trần Ngọc Bích góp hơn 275 tỷ đồng tương đương tỷ lệ sở hữu vốn lần lượt là 29,384% và 16,123%.
Dù vậy chỉ hơn chục ngày sau Tân Hiệp Phát phát đi thông tin cho biết điều chỉnh giảm vốn điều lệ từ hơn 1.705 tỷ đồng xuống chỉ còn 276 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn do 3 cổ đông góp vốn gồm bà Phạm Thị Nụ, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.
Theo công bố, bà Phạm Thị Nụ vẫn là cổ đông lớn nhất với số vốn góp là 150,4 tỷ đồng (54,493%), bà Trần Uyên Phương góp hơn 81 tỷ đồng (29,384%) và bà Trần Ngọc Bích góp hơn 44 tỷ đồng (16,123%).
Tân Hiệp Phát được ông Trần Quí Thanh thành lập năm 1994. Doanh nghiệp này gây tiếng vang lớn trên thị trường nước giải khát Việt Nam với nhiều sản phẩm nổi bật như nước tăng lực Number One, Trà xanh không độ, Trà thanh nhiệt Dr Thanh...
Hệ sinh thái của tập đoàn xoay quanh các đơn vị chính là công ty mẹ Tân Hiệp Phát tại Bình Dương, Number One Hà Nam, Number One Chu Lai và nhà máy mới Number One Hậu Giang.