Bất động sản

Những điều cần làm trước khi cho thuê nhà

Tìm hiểu về người thuê

Trước khi quyết định cho thuê, hãy tìm hiểu thật kỹ về người muốn thuê nhà là ai. Điều này giúp bạn tránh được những rủi ro, lừa đảo hoặc các mâu thuẫn không đáng có.

Thông thường, nên chọn khách hàng là cá nhân, gia đình có công việc ổn định, lý lịch rõ ràng. Ngoài ra, tùy vào xét đoán cá nhân, bạn sẽ đánh giá được mức độ tin cậy của khách hàng.

Hãy hẹn gặp khách hàng của mình, trao đổi, trò chuyện rõ ràng về mục đích thuê nhà. Có thể hỏi thêm một số điều khoản, thỏa thuận và vấn đề đời sống, công việc liên quan.

Bàn bạc kỹ điều khoản, quy định, mức giá

Trước tiên, bạn cần căn cứ vào các yếu tố: vị trí nhà/căn hộ (hướng gì, tầng mấy), diện tích, tình trạng nội thất, có ưu thế về mặt kinh doanh hoặc lập văn phòng đại diện hay không…để xác định giá trị thực của căn hộ/ngôi nhà. Sau đó, bạn có thể tham khảo giá cho thuê trên thị trường hoặc những khu vực lân cận; dự trù các khoản chi phí kiểm tra nâng cấp nhà theo định kỳ và sửa chữa, bảo trì các trang thiết bị tiện ích khi cần, rồi mới định ra mức giá cho thuê hợp lý.

Thị trường cho thuê nhà hiện nay cũng đang bước vào cuộc cạnh tranh, vì thế, bạn có thể đưa ra mức giá mềm hơn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng và có được các hợp đồng thuê dài hạn. Tuy nhiên không được đưa ra mức giá quá thấp so với thị trường bởi có thể gây hệ lụy xấu đến thị trường. Thông thường, chủ nhà sẽ dựa trên chỉ số lạm phát của đồng tiền và chỉ số giá cả hàng hóa trên thị trường để điều chỉnh tiền cho thuê hàng năm, cho nên bạn không cần lo lắng về các khoản bù lỗ khi hạ giá cho thuê ban đầu. Nếu vẫn chưa biết cách định giá, bạn có thể tìm đến các công ty môi giới bất động sản để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể.

Nhiều người cho thuê nhà chia sẻ về những bất cập khi trao đổi, thống nhất điều khoản với người đi thuê. Không ít mâu thuẫn xảy ra giữa hai bên. Vì thế, bạn nên có sự chuẩn bị thật tốt, dựa trên cơ sở hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm khi cho thuê.

Các thông tin mà hai bên cần thỏa thuận với nhau bao gồm thời hạn tối thiểu, tiền thuê hàng tháng, cách thức thanh toán, thời hạn thanh toán. Ngoài ra, còn có những điều kiện, quy định phải tuân thủ khi thuê nhà.

Việc trao đổi, thống nhất rõ ràng trước sẽ hạn chế vi phạm, tranh chấp, mâu thuẫn không đáng có sau này.

Những điều cần làm trước khi cho thuê nhà - Ảnh 1.

Trước khi quyết định cho thuê nhà, chủ nhà cần làm nhiều việc để tránh những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh về sau. (Ảnh minh họa)

Quá trình giao dịch

Đối với việc cho thuê nhà, bạn cần phải lưu ý đến những quy định dành cho khách thuê và cả tính chặt chẽ trong hợp đồng thuê nhà để có thể cho thuê lâu dài cũng như tránh những rủi ro có thể phát sinh. Đầu tiên, bạn cần yêu cầu khách hàng đặt cọc tiền thuê nhà một khoảng thời gian nhất định (từ 1-3 tháng) để có thể đảm bảo rằng họ có đủ khả năng tài chính chi trả cho tiền thuê hàng tháng. Số tiền này cũng có thể để dùng trừ vào tiền phạt nếu người thuê vi phạm hợp đồng.

Tiếp theo, bạn cần thông báo cho người thuê biết những quy định trong sinh hoạt, sử dụng nội thất và những vấn đề về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cũng như cần tuân thủ pháp luật hiện hành. Những thông báo rõ ràng sẽ giúp người thuê xác định những quyền lợi và nghĩa vụ họ cần thực hiện.

Đới với việc ký kết hợp đồng cho thuê, các điều khoản nên được ghi thật cụ thể và chi tiết, nhất là cần nêu rõ cách xử lý đối với những vi phạm có thể xảy ra để có thể dễ dàng xử lý những tình huống phát sinh sau này. Và nếu cho thuê từ 6 tháng trở lên thì hợp đồng cần phải có sự chứng nhận của cơ quan công chứng để đảm bảo tính pháp lý và có thể làm căn cứ để giải quyết tranh chấp sau này. Cùng với đó, bạn cần lưu ý những chi tiết sau:

Ghi rõ số tiền thuê nhà bằng Việt Nam đồng vì theo quy định của pháp luật thì không được thỏa thuận bằng ngoại tệ, nếu bạn không lưu ý điều này thì sẽ khiến hợp đồng bị vô hiệu hóa.

Thỏa thuận rõ ai sẽ phải đóng tiền thuế, tiền dịch vụ hàng tháng

Thỏa thuận về việc thay đổi giá cho thuê theo khoảng thời gian, nếu hợp đồng là 5 năm thì sau 1 – 2 năm có thể thỏa thuận lại, thường thì sẽ tăng thêm từ 10 đến 15%.

Trong hợp đồng phải có điều khoản quy định rõ là khách thuê có được phép cho thuê lại phòng hoặc cả căn nhà hay không. Bạn nên đề cập thêm rằng bên thuê không được tự ý thay đổi cấu trúc ngôi nhà khi chưa có sự đồng ý của chủ nhà.

Lập hợp đồng cho thuê và kí kết

Trong kinh doanh bất động sản nói chung và cho thuê nói riêng, không chỉ thoả thuận bằng lời nói. Chúng ta cần phải có bằng chứng, giấy tờ xác thực về những cam kết 2 bên.

Hay nói cách khác, cần phải chuẩn bị và kí kết hợp đồng cho thuê nhà. Trong văn bản này có đầy đủ những thông tin về bên cho thuê, bên thuê cùng những điều khoản ràng buộc.

Cả 2 bên cần thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm cam kết. Tất nhiên, cùng với đó, họ sẽ nhận được những quyền lợi đúng như thoả thuận.

Trong trường hợp có tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra, người đi thuê, người cho thuê và cơ quan xét xử sẽ dựa vào hợp đồng để giải quyết.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm