Sau khi đoàn giám sát của Quốc hội hoàn thành giám sát một số công trình đầu tư công trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quốc hội vừa có Nghị quyết và đề nghị Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội có báo cáo, đánh giá làm rõ những tồn tại. Theo Phụ lục số 1 kèm theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, 6 “siêu” dự án, cụm dự án được nêu ra ở trên bao gồm: Dự án Nhà ở sinh viên tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); Dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; Bảo tàng Hà Nội; Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá… Tổng mức đầu tư của 6 “siêu” dự án này là trên 80.043 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chậm 7 năm, liên tục đội vốn
Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này. Theo kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội giao 4 phó chủ tịch UBND thành phố có liên quan gồm, ông Dương Đức Tuấn chủ trì, các ông Nguyễn Trọng Đông, Nguyễn Mạnh Quyền, bà Vũ Thu Hà phụ trách lĩnh vực; theo dõi, chỉ đạo các sở ngành, đơn vị có liên quan; Sở KH&ĐT Hà Nội là cơ quan xây dựng kế hoạch, lộ trình, chậm nhất đến 31/7 hoàn thành các báo cáo có liên quan những dự án nói trên. Thanh tra thành phố được giao chủ trì làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu tổ chức để xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí và tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330 ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát của Quốc hội.
Nhiều dự án chậm tiến độ, đội vốn, lãng phí
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong 6 dự án được nêu trên, nhưng hiện mới có 2 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng (dù đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt triển khai cả chục năm nay) bao gồm: Dự án Nhà ở sinh viên tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, tổng mức đầu tư 1.492 tỷ; dự án Bảo tàng Hà Nội, tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng. Qua một số năm đưa vào sử dụng, đến nay cả hai dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp và bảo tàng Hà Nội đều chưa sử dụng hết công suất, nhiều diện tích mặt bằng đang bị bỏ không, xuống cấp, lãng phí. Tại dự án Nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, tỷ lệ sinh viên vào ở không nhiều, lý do chính là đường sá không thuận tiện, khu nhà ở nằm xa các trường học; để khắc phục tình trạng này hiện tại, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất thành phố cho chuyển công năng làm nhà ở xã hội.
Tại 4 dự án còn lại, gồm: Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tổng mức đầu tư 34.862 tỷ đồng); Dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng); Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng); Cải tạo khôi phục sông Tích (vốn đầu tư 5.925 tỷ đồng). Ghi nhận hiện trạng tại các dự án này, PV Tiền Phong nhận thấy, ngoài chậm tiến độ nhiều năm, các dự án còn bị đội vốn lớn, trong đó dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang chậm 7 năm, đội vốn lớn; Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tiến độ hoàn thành năm 2015, nhưng đến nay vẫn thi công chưa xong và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đang chậm tiến độ nhiều năm, phải điều chỉnh tăng mức đầu tư và hiện đang dựng rào thi công gây ùn tắc trên nhiều tuyến đường giữa trung tâm Hà Nội.
Theo tiến độ được phê duyệt, lẽ ra đến nay, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã đưa vào sử dụng 7 năm, Tuy nhiên hiện tại, khi đi trên các tuyến đường Kim Mã, Cát Linh, Quốc Tử Giám, Trần Hưng Đạo…, người dân vẫn chứng kiến nhiều hàng rào được dựng lên, quây lại phục vụ thi công dự án này đang chiếm đến 2/3 lòng đường, giao thông ùn tắc thường xuyên diễn ra vào giờ cao điểm. Ông Nguyễn Văn Thành, người dân sống trên phố Kim Mã cho biết, dự án đến nay đã chiếm dụng mặt đường gần chục năm để xây ga ngầm, tuy nhiên hiện nay chúng tôi cũng chưa biết ngày nào dự án được thi công xong. Việc hàng rào chiếm tới 2/3 lòng đường khiến hoạt động kinh doanh, làm ăn của người dân trên dọc tuyến phố Kim Mã từ Cầu Giấy đến bến xe Kim Mã cũng đang đình trệ nhiều năm nay.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, đội vốn nói trên, đại diện lãnh đạo MRB nêu nguyên nhân: Thứ nhất là việc chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dời hạ tầng kỹ thuật là nguyên nhân chính ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Thứ hai, các gói thầu của Dự án được ký theo mẫu Hợp đồng quốc tế FIDIC có nhiều điểm khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Thứ ba là vướng mắc liên quan việc điều chỉnh Hợp đồng Tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói). Vậy nên, việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn. Thứ tư, các vướng mắc liên quan hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành về lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam đang chưa đồng bộ và đầy đủ. Thứ năm, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn thế giới. “Đến nay có tới 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung chi phí do thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài” lãnh đạo MRT giải thích.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài chậm tiến độ đã 7 năm và bị đội vốn, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa đề xuất và đã được đại diện Chính phủ đồng ý cho lui thời gian hoàn thành dự án đến năm 2027 (tức chậm 12 năm). |