Sáng 21/6, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Bamboo Airways hiện có 1.795 cổ đông trong đó có 51 cổ đông tham dự ĐHCĐ, đại diện 2.493.723 cổ phần có quyền biểu quyết, tương ứng 94,1% cổ phần của Bamboo Airways.
Trước ĐHĐCĐ thường niên, toàn bộ thành viên HĐQT đã từ nhiệm để bầu lại HĐQT khoá mới. Tại đại hội, Ban lãnh đạo Bamboo Airways đưa ra danh sách đề cử thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) gồm 7 thành viên.
Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng là Chủ tịch HĐQT của Bamboo Airways nhiệm kỳ trước; ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm hiện là hai cổ đông lớn của Bamboo Airways, cựu thành viên HĐQT Bamboo Airways; ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, cựu thành viên HĐQT Bamboo Airways.
Ba thành viên mới được đề cử là ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế của Japan Airlines thành viên đã được Bamboo công bố sẽ tham gia vào ban lãnh đạo từ trước; ông Phan Đình Tuệ, hiện là thành viên HĐQT Sacombank và mới từ chức Phó Tổng giám đốc Sacombank và ông Trần Hoà Bình chưa xuất hiện trên truyền thông.
Toàn bộ 7 thành viên được đề cử đều được bầu vào HĐQT với tỷ lệ số phiếu bầu: Ông Nguyễn Ngọc Trọng 100%, ông Doãn Hữu Đoàn 100%, ông Lê Thái Sâm 100%, ông Hideki Oshima 100%, ông Lê Bá Nguyên 100%, ông Trần Hoà Bình 99,82% và ông Phan Đình Tuệ 99,7%.
Ông Hideki Oshima (sinh năm 1962), quốc tịch Nhật Bản, là cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không thuộc hãng Hàng không Japan Airlines. Còn ông Phan Đình Tuệ đã giữ chức Phó Tổng giám đốc Sacombank trong 11 năm, từ ngày 14/6/2012 cho đến nay. Ông cũng đã được bầu vào HĐQT của Sacombank trong đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 22/4/2022, nhiệm kỳ 2022-2026.
Đặt mục tiêu hoà vốn hoặc có lãi vào năm 2024
Cũng tại đại hội, ông Lê Minh Hải, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, HĐQT đã giao mục tiêu cho ban lãnh đạo công ty "phải hoà hoặc có lãi vào năm 2024" chứ không phải là "hy vọng có hết lỗ nữa".
Ông Hải cũng cho hay, số lỗ 17.619 tỷ đồng ghi nhận năm 2022 là của cả một thời kỳ và đưa vào năm 2022 chứ không phải riêng năm này. Kết thúc năm 2022, Bamboo Airways đã hết giai đoạn hình thành và bây giờ sẽ phát triển.
"Đến thời điểm này, giá trị vốn điều lệ tại thời điểm tháng 5/2023 đạt 26.220 tỷ đồng, tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản của Bamboo Airways là 0,7 lần", ông Hải nhấn mạnh.
Về chỉ số kỹ thuật, ông Hải lý giải chi phí/ghế CASK đã giảm từ 9,9 cent năm 2021 xuống còn 6,96 cent năm 2022 tức là Bamboo Airways đã giảm được chi phí mỗi ghế. Doanh thu trên mỗi ghế RASK tăng từ 4,37 cent lên 5,35 cent tức là tăng được doanh thu. Tuy nhiên, khi nào RASK lớn hơn CASK tức doanh thu lớn hơn chi phí thì mới có lãi.
Đại hội cũng đã thông qua báo cáo tài chính năm 2022 của Bamboo Airways được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY.
Nói về kế hoạch năm 2023, ông Nguyễn Minh Hải cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần của Bamboo Airways đạt 51% so với tổng doanh thu thuần năm 2022. Từ tháng 1/2023, Bamboo đã đạt điểm hoà vốn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Tuy nhiên, năm nay vẫn là một giai đoạn khó khăn của các hãng hàng không trong đó có Bamboo Airways. Trên toàn cầu, các thị trường châu Âu và châu Mỹ đã có lãi trở lại do sức mua tốt hơn và tương đối nhạy bén so với khủng hoảng, cùng tăng cùng giảm. Nhưng với các hãng châu Á, IATA vẫn dự báo khu vực này sẽ lỗ khoảng 6 tỷ USD trong năm 2022.
Do nhu cầu nén vào năm 2022 đã bung ra nên 2023 người dân sẽ tiết kiệm trở lại, đây là một trong những yếu tố không thuận lợi với ngành hàng không. Ngoài ra, giá nhiên liệu cũng là vấn đề đau đầu với các hãng hàng không, hiện đã ổn định nhưng ở mức cao. Một số thị trường phục hồi tốt không tốt như kỳ vọng, ông Hải cho hay.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt lỗ vào năm 2024, ông Hải cho biết, Bamboo Airways muốn có lãi thì vẫn phải tăng quy mô sản xuất, 30 tàu bay là không đảm bảo hiệu quả. Do đó, Bamboo Airways sẽ tiếp tục tăng tàu bay bằng việc thuê, mua tàu, nhưng phải đảm bảo hiệu quả.
"Giá tàu bay cho thuê hiện cao hơn và nguồn cung khan hiếm, rất may là trong năm 2021-2022, ban lãnh đạo Bamboo Airways đã chớp được cơ hội và nâng đội tàu bay lên 30 chiếc", ông Hải nói.
Tại đại hội, Cựu chủ tịch Bamboo Airways cũng thông tin thêm, từ năm 2024 trở đi, hãng đặt mục tiêu mỗi năm tăng 8-10 tàu bay để nâng đội bay lên 100 tàu.
CEO Bamboo Airways cũng chia sẻ về các yếu tố mới của Bamboo Airways như việc có sự tham gia của chuyên gia hàng không Nhật Bản là cựu Chủ tịch HĐQT Masaru Onishi và Hideki Oshima, Giám đốc khối Quan hệ quốc tế của Japan Airlines.
Ông Hải cho hay, đây là những nhà quản lý đã tham gia trong công cuộc tái cấu trúc thành công Japan Airlines, từ một hãng hàng không bên bờ vực phá sản trở nên có lãi.
"Hiện cấu trúc ở tầm lãnh đạo đã hình thành xong, việc tiếp theo là tái cấu trúc công ty. Ban điều hành sẽ triển khai sự thay đổi theo hướng tinh gọn và hiệu quả", ông Hải nói.
Trong đó, Bamboo Airways sẽ tinh gọn cấu trúc từ 11 cấp nhân viên G11-G1 giảm xuống còn 6 cấp.
Ông Hải cũng chia sẻ, Bamboo Airways đã chuyển sang sử dụng hệ thống phục vụ khách hàng Amadeus PSS và sau đó Vietnam Airlines cũng chuyển đổi sang hệ thống này, cho thấy tính tiên phong của Bamboo Airways về chuyển đổi số hoá hệ thống dịch vụ.