ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tình trạng ngón tay cò súng có thể xuất hiện ở bất kỳ ngón tay nào và có thể ảnh hưởng đến nhiều ngón một lúc. Với người lớn, bệnh thường xảy ra ở ngón giữa, trẻ em hay bị ở ngón cái. Ngón bị bệnh không thể tự duỗi ra nếu không được trợ giúp, có thể gây khó chịu khi cử động.
Nguyên nhân là do viêm làm bao gân dày lên, gân không thể di chuyển và bị kẹt lại, khiến ngón tay không thể gấp duỗi trơn tru được. Thậm chí ngón tay bị kẹt ở tư thế gấp, nhìn như đang "bóp cò súng" nên bệnh được gọi là ngón tay cò súng. Bệnh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc thường xuyên gây cứng các khớp ngón tay, co rút gân gấp, dính gân gấp. Lúc này, các khớp nhỏ ở ngón tay sưng đau, khó vận động, các ngón tay co rút gấp, khó duỗi thẳng.

Bác sĩ Tuệ giải thích tình trạng sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Tuệ, cách chữa ngón tay cò súng phụ thuộc vào mức độ và thời gian xuất hiện bệnh. Trường hợp nhẹ và vừa, triệu chứng xuất hiện dưới một tháng, người bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng các loại thuốc đường uống giảm đau, chống viêm và vật lý trị liệu như đeo nẹp, tập kéo giãn... Các phương pháp này giúp giảm đau, kháng viêm và thư giãn gân cơ, cải thiện sự linh hoạt của ngón tay.
Trường hợp nặng hoặc điều trị bảo tồn không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid, can thiệp qua da hoặc phẫu thuật. Tiêm steroid có tác dụng giảm viêm, hiệu quả thường kéo dài khoảng một năm, tuy nhiên không nên lạm dụng. Với can thiệp qua da, bác sĩ đưa kim vào vùng mô gần gân bị ảnh hưởng để phá vỡ tình trạng co thắt. Phương pháp này cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm để đảm bảo không gây tổn thương gân hay những dây thần kinh lân cận. Với phẫu thuật, bác sĩ thực hiện thông qua vết rạch nhỏ ở gần gốc ngón tay bị ảnh hưởng.

Bác sĩ Tuệ (giữa) trong một ca phẫu thuật điều trị bệnh lý bàn tay. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Một số trường hợp điều trị trễ có nguy cơ cứng khớp, co rút gân, dính gân. Hậu quả là dù được phẫu thuật giải phóng dây chằng hoàn toàn, người bệnh phải mất rất nhiều thời gian để tập phục hồi vận động bàn tay sau phẫu thuật. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng ngón tay cò súng, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ khám trực tiếp và tư vấn hướng điều trị.
Bệnh có nguy cơ tái phát dù tỷ lệ khá thấp. Sau điều trị, người bệnh cần hạn chế thực hiện những hoạt động nắm chặt hay vặn bóp ngón tay, tránh dùng thiết bị, đồ vật rung lắc mạnh, cần cân bằng giữa nghỉ ngơi và vận động tay. Thường xuyên thực hiện những bài tập giúp tay linh hoạt hơn, tránh chấn thương.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |