Cử tri Cần Thơ quan tâm chính sách thuế quan của Mỹ
Ngày 21.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ tiếp xúc với hơn 300 cử tri, là đại diện hiệp hội doanh nhân, hội doanh nhân trẻ, hội nữ doanh nhân và các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn, trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ
ẢNH: THANH DUY
Tại buổi tiếp xúc, cử tri kiến nghị việc thúc đẩy chuyển đổi số với ngành kim hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ - viễn thông (vốn, thuế, phát triển nhân lực số), giảm thủ tục rườm rà trong xuất khẩu hàng hóa, có chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động để khi bán hoặc cho thuê với mức giá hợp lý...
Đặc biệt, những tác động từ chính sách áp mức thuế quan mới của nước ngoài (nhất là Mỹ) đến thị trường kinh doanh hiện nay được đặc biệt quan tâm. Nhiều cử tri kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét đàm phán với đối tác để giảm mức thuế, có chiến lược đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, hỗ trợ ngành du lịch thích ứng trước biến động, định hướng ngành nghề mũi nhọn cần ưu tiên phát triển tại ĐBSCL…

Cử tri Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến chính sách thuế quan của Mỹ đối với tình hình xuất nhập khẩu
ẢNH: THANH DUY
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ có nhiều văn bản quan trọng, sẽ làm những việc lớn hoàn thiện thể chế. Một trong số đó là tổ chức bộ máy từ trạng thái thụ động giải quyết thủ tục hành chính sang chủ động để sát dân, gần dân và tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, khó khăn và thách thức nhiều hơn cơ hội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong quý 1/2025, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng đạt 6,93%, cao nhất trong vòng năm năm qua. Uy tín của Việt Nam ngày càng nâng lên, được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Làm phải có trọng tâm, trọng điểm'
Với Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khen ngợi tinh thần quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thành phố này đứng 41 cả nước, đứng thứ 6 ở vùng ĐBSCL là không ổn, vì Cần Thơ là địa phương duy nhất của vùng ĐBSCL nhận được cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng phê bình Cần Thơ cách làm dàn trải, mãi không xong trong nhiều dự án. Chẳng hạn như dự án trên tuyến QL61, QL91, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Đặc biệt, thành phố phải kiểm điểm lại việc triển khai Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh. Trong khi nhiều nơi đã có sản phẩm, có VSIP thứ 2 thì Cần Thơ vẫn còn loay hoay với chuyện giải phóng mặt bằng, san nền.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ
ẢNH: THANH DUY
Để tháo gỡ khó khăn, theo Thủ tướng, Cần Thơ cần rút ra bài học về đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ. Bí thư Thành ủy phải đứng ra chỉ đạo, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chuyện điều hành công việc phải đôn đốc, phân công phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ thẩm quyền, rõ tiến độ. Quyết tâm hành động phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt. Nhất là tập trung làm có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó. Không thể cái gì cũng muốn làm, vì thời gian là có hạn, nhân lực không có nhiều.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ triển khai quyết liệt tinh gọn bộ máy, tổ chức thật tốt các ngày lễ lớn, tập trung cho tăng trưởng trên 8%, đảm bảo an sinh - nhà ở xã hội, hướng tới làm sân bay và cảng "thông minh", tăng cường công tác thông tin truyền thông bằng cách hỗ trợ cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho báo chí làm việc. Nhất là chú ý rà soát tháo gỡ các khó khăn, những dự án kéo dài gây lãng phí, điển hình là Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ và Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh.
Với ý kiến của cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, sự thay đổi chính sách thuế quan trên quốc tế là đương nhiên, phải bình tĩnh thích ứng, không nên hoang mang, lo sợ. Biến động này cũng là cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại nền lại sản xuất, tái cơ cấu nền kinh tế bền vững. Về chính sách đối ngoại, Chính phủ luôn có phương cách giao thiệp, đàm phán trên tinh thần sao cho lợi ích quốc gia, dân tộc được tốt nhất. Hiện nay, các phản hồi cơ bản từ các đối tác nước ngoài là tích cực.