Ngày 21/4, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên án phúc thẩm giai đoạn hai đại án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, liên quan đến kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch tập đoàn) và các bị cáo.
Ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị xác định vai trò đồng phạm với vợ ở tội Rửa tiền và bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án 2 năm tù. Ông không kháng cáo, song sau phiên sơ thẩm đã động viên gia đình nộp thêm 5 tỷ đồng để khắc phục thêm vào hậu quả chung của vụ án.

Ông Chu Lập Cơ tại phiên phúc thẩm giai đoạn một hồi cuối năm 2024. Ảnh: Trần Quỳnh
Tòa phúc thẩm xác định, bối cảnh phạm tội của ông Cơ là đã sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu và được bà Lan dùng số tiền 33 tỷ đồng có nguồn gốc từ việc phát hành trái phiếu để chi trả. Quá trình điều tra, ông Cơ đã khắc phục toàn bộ số tiền này.
Theo HĐXX, trong vụ án này có nhiều bị cáo phạm tội Rửa tiền với vai trò đồng phạm của bà Lan, số tiền rất lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhiều hơn số tiền ông Cơ bị cáo buộc. So sánh về mức án tòa sơ thẩm áp dụng giữa các bị cáo thì hình phạt đối với ông Cơ có phần nghiêm khắc.
Hơn nữa, ông Cơ phạm tội với vai trò phụ thuộc, sau phiên xử sơ thẩm vẫn tích cực dùng tài sản riêng để khắc phục hậu quả chung của vụ án. Do đó, tòa xét thấy cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo từ 2 năm xuống một năm tù. Tổng hợp với bản án giai đoạn một, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 8 năm tù.

Bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án. Ảnh: Thanh Tùng
Đối với bị cáo Trương Huệ Vân, tòa cũng ghi nhận việc bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, khắc phục thêm một phần hậu quả vụ án nên chấp nhận kháng cáo giảm án từ 5 năm xuống 3 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt 13 năm tại bản án giai đoạn một, bị cáo Vân phải chấp hành hình phạt chung là 16 năm tù.
Bản án sơ thẩm xác định, Vân giúp bà Lan cùng đồng phạm ký các hợp đồng, chứng từ khống chuyển tiền để cho Công ty An Đông mua sơ cấp trái phiếu, chiếm đoạt số tiền 13.000 tỷ đồng của 20.623 bị hại.
Là người có vai trò chính trong vụ án, song tòa cũng ghi nhận bà Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới, khả năng khắc phục hậu quả của vụ án là rất lớn nên chấp nhận kháng cáo, giảm án từ tù chung thân xuống 20 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giữ nguyên mức án 8 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; 12 năm về tội Rửa tiền; tổng hợp, bị cáo phải chấp hành mức án chung của bản án này là 30 năm (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).
Tuy nhiên, tổng hợp với bản án tử hình của giai đoạn một, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định, toàn bộ tiền chiếm đoạt từ hành vi phát hành trái phiếu, các bị cáo đều chuyển cho bà Lan sử dụng vào các mục đích cá nhân, nên bà Lan phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tòa tiếp tục kê biên các tài sản của bà Lan và gia đình, có liên quan đến hành vi sai phạm, để đảm bảo cho việc thi hành án.
Hôm 9/4, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản "khủng" bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, được sử dụng con dấu của Thủ tướng. Phó ban là Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. 20 thành viên còn lại là lãnh đạo nhiều bộ ngành trung ương và địa phương như Hà Nội, TP HCM, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh.
Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban có trách nhiệm giúp Thủ tướng giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, đề xuất phương hướng, giải pháp về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.