Nhà tâm lý học Erich Fromm từng nói: "Cha chính là người giáo dục con và cũng là người chỉ cho con đường đến với thế giới". Vào thập niên 60, một người cha Trung Quốc đã coi đây là kim chỉ nam dạy con của mình.
Sống trong thời đại mà đa số mọi người quan niệm rằng "đọc sách là vô dụng", ông vẫn cần mẫn nuôi dưỡng 6 người con ăn học thành tài. Trong số đó, có 5 người trở thành Tiến sĩ, 1 người trở thành Thạc sĩ.
Thái Tiếu Vãn sinh năm 1941, lớn lên trong một gia đình trí thức giàu có ở Ôn Châu. Là con trai cả trong số 10 anh chị em, ông có khát vọng theo đuổi nghiệp đèn sách. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh không cho phép nên ông phải từ bỏ việc vào đại học.
Sau đó, Thái Tiếu Vãn làm thầy giáo tại một trường tiểu học địa phương. Nhờ thành tích xuất sắc trong công việc, ông đã thi lại và được nhận vào khoa Vật lý của ĐH Hàng Châu, tiếp tục giấc mơ còn dang dở.
Người cha Thái Tiếu Vãn
Thế nhưng, số phận như muốn trêu ngươi ông. Khi cha qua đời vì bạo bệnh, Thái Tiếu Vãn buộc phải bỏ học, về nhà gánh vác cả gia đình. Điều này trở thành nỗi tiếc nuối lớn nhất trong lòng ông.
Năm 26 tuổi, Thái Tiếu Vãn chào đón đứa con đầu lòng. Ông chợt nghĩ: "Mình đã không thể thực hiện ước mơ vào đại học. Tại sao không để con mình thực hiện thay?".
Trong những năm tiếp theo, Thái Tiếu Vãn dành toàn bộ thời gian để làm cha. Cả gia đình sống trong căn nhà hai tầng rộng 16m2 hơn trăm năm tuổi, mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì rét muốt. Trong điều kiện khắc khổ như vậy, ông vẫn ngồi kể cho các con nghe chuyện về những nhà khoa học lỗi lạc trên thế giới.
Thái Tiếu Vãn bên cạnh vợ và các con
"Trí tuệ của chúng ta không khác biệt quá nhiều. Điều thực sự quyết định thành bại chính là những yếu tố phi trí tuệ thường bị bỏ qua: ý chí, đạo đức, sức khỏe, kỹ năng giao tiếp,... Khuyến khích trẻ lập chí từ sớm chính là bước đầu tiên trong quá trình giáo dục", ông chia sẻ.
Cứ 6h sáng, Thái Tiếu Vãn sẽ ngồi chơi đàn nhị ở tầng dưới để đánh thức lũ trẻ. Sau này, nhận thấy các con hứng thú nghe radio nước ngoài, ông chuyển sang bật đài để gọi chúng dậy sớm. Buổi tối, cả nhà cùng nhau quây quần dưới ngọn đèn: Thái Tiếu Vãn đọc sách chuyên môn, lũ trẻ ngồi làm bài tập.
Ngoài việc rèn chí hướng và nề nếp hàng ngày, Thái Tiếu Văn cũng coi trọng giáo dục về số học cho các con.
Đứa con đầu Thiên Văn mới sinh chưa đến 10 ngày, ông nựng cằm con một lần rồi nói "1", hai lần thì nói "2", lặp lại nhiều lần để con làm quen. Khi con được 2-3 tháng tuổi, ông gõ nhẹ vào lòng bàn tay con, rồi bắt đầu đếm "1, 2, 3, 4, 5". Nhờ đó, cậu bé trở nên cực kỳ nhạy cảm với các con số.
"Hồi đó, nhà dùng bếp than để nấu nướng, sáng nào cũng phải nhóm lửa. Tôi bảo con vừa quạt vừa đếm. Đến năm 2 tuổi, Thiên Văn có thể đếm được từ 1 đến 1000. Do đã quen với các con số, thằng bé có thể dễ dàng thực hiện những phép tính phức tạp hơn bạn bè đồng trang lứa", người cha cho biết.
Bên cạnh đó, Thái Tiếu Vãn còn dùng chế độ thưởng-phạt để khích lệ lũ trẻ. Mỗi người con đều có một sổ tiết kiệm riêng; ai đếm hoặc tính toán nhanh và chính xác sẽ được thưởng một khoản tiền.
Năm con trai cả lên 3 tuổi, ông nói: "Nếu con có 50 NDT trong sổ tiết kiệm, cha sẽ cho con đến trường". Nhờ mục tiêu này, Thiên Văn càng có động lực; cậu bé đã tích lũy 50 NDT khi chưa tròn 5 tuổi. Nghe tin anh trai đến trường, người con thứ Thiên Vũ cũng đòi đi theo, đứng ngoài cửa sổ lớp học nghe giảng cùng.
Thái Tiếu Vãn còn tổ chức một số cuộc thi nhỏ tại nhà để khích lệ lũ trẻ. Ai hoàn thành nhiệm vụ sớm sẽ được 50 xu tiết kiệm. Đứa thắng có thêm động lực phấn đấu, đứa thua thì càng cố gắng để không thua kém anh em.
Thái Tiếu Vãn treo poster của các nhà khoa học nổi tiếng lên tường nhà
Là con gái út trong nhà, Thiên Tây cũng quyết tâm noi gương các anh. Từ nhỏ, cô bé đã chỉ vào tấm chân dung Marie Curie treo trên tường, nói với cha: "Con muốn trở thành Marie Curie của Trung Quốc".
Mới 9 tuổi, Thiên Tây đã tốt nghiệp tiểu học. Cô từng đoạt giải Nhất trong cuộc thi Toán học của thành phố Tây An, vượt qua 600 học sinh trong độ tuổi 14-15. Tất cả khán giả tại sự kiện hôm ấy đều ngỡ ngàng khi thấy tài năng của cô gái trẻ.
Trong nhà Thái Tiếu Vãn, những kỳ tích như vậy không hiếm. Lũ trẻ giống những tay đua, đuổi theo nhau trên con đường mơ ước.
Vợ chồng Thái Tiếu Vãn chụp ảnh cùng con gái Thiên Tây
Con trai cả Thiên Văn được nhận vào đại học ở tuổi 15, làm nghiên cứu sinh ở tuổi 19. Anh nhận bằng Tiến sĩ của ĐH Cornell (Mỹ), hiện là một trong những giáo sư trẻ tuổi nhất ở Trường Wharton, ĐH Pennsylvania (Mỹ).
Con trai thứ hai Thiên Vũ học lớp sơ cấp của ĐH Khoa học & Công nghệ Trung Quốc ở tuổi 14, du học Tiến sĩ tại Mỹ ở tuổi 18. Anh từng làm Phó Tổng giám đốc Goldman Sachs ở Mỹ, hiện đang điều hành một công ty tại New York.
Con trai thứ ba Thiên Sư là Tiến sĩ thuộc ĐH St. John (Mỹ), hiện đang làm việc tại Trung Quốc.
Con trai thứ tư Thiên Nhuận có bằng Tiến sĩ từ ĐH bang Arkansas (Mỹ), từng nghiên cứu tại ĐH Harvard (Mỹ). Anh là một bác sĩ phẫu thuật có tiếng, còn thành lập một bệnh viện tư nhân ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Con trai thứ năm Thiên Quân tốt nghiệp Thạc sĩ tại ĐH Khoa học & Công nghệ Trung Quốc, hiện đang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Cô con gái út Thiên Tây được nhận vào lớp vị thành niên của ĐH Khoa học & Công nghệ Trung Quốc ở tuổi 14. Sau đó 4 năm, cô làm nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Tự tay nuôi dạy 6 đứa con thành công, Thái Tiếu Vãn đúc kết nên 3 triết lý giáo dục quan trọng: giáo dục từ sớm, xây dựng ý cho con từ nhỏ và dạy con phương pháp tự học.
"Các con tôi chưa bao giờ học một cách thụ động, dưới áp lực cao. Thay vào đó, chúng được hưởng một môi trường thoải mái và dễ chịu", ông tự hào nói. "Trải nghiệm học tập thú vị cho chúng động lực và hứng thú học tập, từ đó hình thành tính tự giác".
Bên cạnh nâng cao trí tuệ, Thái Tiếu Văn hy vọng các con sẽ trau dồi cảm xúc. Ông đưa cả gia đình du ngoạn nhiều nơi trên khắp đất nước. Mỗi khi đến danh lam thắng cảnh, người cha này đều kể những câu chuyện lịch sử liên quan để kích thích hứng thú và trí tưởng tượng của lũ trẻ.
Thái Tiếu Vãn thường xuyên đưa các con đi du ngoạn khắp đất nước
Trong lớp, con nhà Thái Tiểu Vãn có thể nhỏ tuổi nhất, nhưng không hề non nớt về kinh nghiệm. Những chuyến du ngoạn đã giúp lũ trẻ trở nên dạn dĩ, hình thành tính tự lập mà nhiều bạn bè đồng trang lứa không có.
Năm 4 tuổi, Thiên Vũ bị lạc ở bến tàu do sơ sẩy. Tuy nhiên, vì đã được cha rèn cho khả năng định hướng, cậu bé có thể tự tìm đường, đi bộ hàng chục km về nhà. Khi Thiên Tây bị bắt nạt ở trường, ông khuyên con nên cảm ơn kẻ thù vì đã tạo thử thách cho mình rèn luyện.
"Nhờ sự giáo dục của cha, chúng tôi đã có được nhiều kinh nghiệm sống. Chúng tôi biết cách đối mặt với mất mát bằng một tâm thế bình tĩnh và không bao giờ bỏ cuộc quá dễ dàng. Ông đã dạy chúng tôi cách làm người như thế nào và làm sao để hạnh phúc", cô con gái út chia sẻ.
Có lần, con trai thứ tư Thiên Nhuận bị lậm phim kiếm hiệp, đòi lên Thiếu Lâm Tự để học võ công đích thực. Dù lo lắng, Thái Tiếu Vãn lại không ngăn cản mà chỉ dặn dò con trai: "Con muốn làm gì thì làm. Con người có cá tính riêng, nhưng phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình".
Hai cha con vẫn giữ liên lạc với nhau suốt một thời gian dài sau đó. Cuối cùng, Thiên Nhuận cũng trở về nhà, thừa nhận với cha: "Võ công tuy có ích nhưng trong xã hội tương lai, điều quan trọng hơn hết là phải nắm vững kiến thức".
Trong quãng thời gian các con đi học xa nhà, Thái Tiếu Vãn đã viết ít nhất 600 bức thư động viên lũ trẻ. Ngoài ra, ông còn tạo hồ sơ ghi chép sự tiến bộ của từng người. Vì thế, ông hiểu rất rõ con cái mình.
"Làm cha là sự nghiệp cả đời của tôi", ông chia sẻ
Khi được hỏi về bí quyết nuôi con, Thái Tiếu Vãn chỉ cười và nói: "Một là giáo dục sớm đặt nền tảng trí tuệ. Hai là hình thành quyết tâm ngay từ nhỏ. Ba là xác định đường lối phát triển của cuộc đời. Bốn là trang bị năng lực tự học, độc lập".
"Đây chính là phương pháp học tập suốt đời. Có nền tảng, có đường lối và phương pháp, thành công chỉ là vấn đề thời gian."
(Nguồn: Zhihu)