Dự báo về nguy cơ tấn công thông qua lỗ hổng bảo mật Spring4Shell được Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đến các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin tại Việt Nam. Trong đó, lỗ hổng Spring4Shell được đánh giá ở mức nguy hiểm cao, chưa có bản vá, mã khai thác đã bị phát tán trên Internet. Nếu khai thác thành công, kẻ tấn công có thể thực thi mã từ xa và kiểm soát hệ thống.
"Với việc mã khai thác đã được công bố trên Internet, lỗ hổng này sẽ được các nhóm tấn công có chủ đích (APT) tận dụng để thực hiện các cuộc tấn công trên diện rộng thời gian ngắn sắp tới", Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) dự báo.
NCSC cũng cho biết, trên thực tế, "đã phát hiện dấu hiệu dò quét và khai thác thử" vào một số hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam thông qua lỗ hổng nói trên.
Lỗ hổng Spring4Shell tồn tại trong Spring Core - một thành phần lõi trong bộ mã nguồn mở Spring Framework, được sử dụng phổ biến trong các ứng dụng web hiện nay. Có khoảng 50% sản phẩm được viết bằng Java dùng Spring Core. Lỗ hổng này cũng được đánh giá nguy hiểm hơn Log4Shell - một trong những lỗ hổng lớn nhất thập kỷ vừa được phát hiện cuối năm 2021.
Trang BleepingComputer cũng xác nhận tình trạng lỗ hổng Spring4Shell đang được khai thác trong nhiều cuộc tấn công gần đây. Các chuyên gia của trang bảo mật này cho biết, việc khai thác Spring4Shell yêu cầu lệnh http đơn giản. Vì vậy kẻ tấn công có thể tạo các tập lệnh quét tự động trên Internet để tìm các máy chủ dễ bị tấn công.
Trong quá trình chờ bản vá được phát hành, các hệ thống thông tin được khuyến nghị thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ bị tấn công. Theo NCSC, các hệ thống cần được kiểm tra, rà soát và xác minh hệ có sử dụng Spring Core hay không. Nếu bị ảnh hưởng, các đơn vị có thể nâng cấp ứng dụng và thành phần liên quan, đồng thời tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng.