Đó là hai cấu trúc kỳ lạ - một bên dưới châu Phi, một bên dưới Thái Bình Dương, với diện tích tương đương lục địa nhưng có hình dạng phức tạp, như mọc ra từ khu vực 2.900 km dưới bề mặt Trái Đất. Chúng được cho là nơi sản sinh ra những cột đá nóng vươn cao được gọi là "chùm lớp phủ sâu" vươn tới bề mặt Trái Đất.
Các nhà khoa học biết 2 cấu trúc này đã tồn tại từ rất lâu nhưng chúng biến chuyển như thế nào trong suốt lịch sử Trái Đất vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Hai đốm màu kỳ lạ bên trong lòng Trái Đất - Ảnh: Ömer Bodu
Bài viết vừa đăng tải trên The Conversation - được thực hiện bởi nhóm khoa học gia từ các trường đại học Wollongong (Úc), Leeds (Anh) và Tây Bắc (Tây An - Trung Quốc), dẫn đầu bởi tiến sĩ Nicolas Flament từ Trường ĐH Wollongong - đã cho thấy các đốm màu này đang không ngừng biến dạng.
Chúng cũng có khả năng tách rời nhau rồi gom lại một khối, y như cách các lục địa trên mặt đất nhiều lần hợp thành siêu lục địa rồi lại tách rời thành nhiều châu lục trong một quá trình còn đầy bí ẩn gọi là "kiến tạo mảng".
Ứng dụng Cơ sở hạ tầng tính toán Quốc gia Úc, nhóm nghiên cứu đã chạy các mô phỏng máy tính về cách lớp phủ của Trái Đất - nơi các đốm màu ngự trị - biến đổi trong 1 tỉ năm.
Chính quá trình kiến tạo mảng cũng là nguyên nhân thúc đẩy biến đổi này.
Sự tích tụ của đá lạnh - vật chất đại dương dày đặc - bị đẩy xuống trong quá trình hút chìm đang đẩy dạt các lớp màu nóng sang hai bên, có thể khiến nó tập hợp thành một siêu khối ở phía bên kia của hành tinh.N
Ngoài ra, đốm màu bên dưới châu Phi cũng mang vật chất lục địa và có vẻ vật chất này chỉ mới được lắp ráp thêm vào 60 triệu năm trước.
Theo Science Alert, bất chấp tất cả, cho đến nay nguồn gốc của các đốm màu vẫn còn là bí ẩn. Có hai giả thuyết phổ biến nhất: Chúng được lắp ráp từ nhiều mảnh vật chất của bề mặt và lớp phủ trong quá trình kiến tạo mảng; hoặc chúng chính là tàn tích của Theia - hành tinh giả thuyết to bằng sao Hỏa đã đâm vào và hợp nhất với Trái Đất 4,5 tỉ năm trước.