Ở Trung Quốc, có một ngôi trường vô cùng nổi tiếng, đó là Trường trung học Hành Thủy ở tỉnh Hà Bắc. Ngôi trường này nổi tiếng với chất lượng đầu vào, đầu ra cực cao. Hàng năm, tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ các trường top đầu cũng ở mức "không thể đùa được". Chẳng hạn trong kỳ thi đại học năm 2020, 67 học sinh của trường được tuyển thẳng vào Thanh Hoa, Bắc Đại. Tính theo kết quả thi bình thường thì tổng có 175 em trúng tuyển.
Ngoài ra, 75 học sinh có điểm thi đại học từ 700 điểm trở lên, hơn 60% thí sinh của trường đạt điểm trên 600. Trong danh sách 10 học sinh đạt điểm cao nhất tỉnh Hà Bắc, trường Hành Thủy đã chiếm đến 8 em.
Thành tích của Hành Thủy là điều không thể phủ nhận nhưng cách đào tạo học sinh của nhà trường lại gặp phải nhiều tranh cãi dữ dội.
Trường Trung học Hành Thủy.
Cuộc phỏng vấn gây bão cả nước
Năm 2011, Lý Tùng - một học sinh lớp 12 của trường Hành Thủy trả lời một cuộc phỏng vấn của CCTV. Nam sinh này khi đó thể hiện sự nghiêm túc với kỳ thi đại học và tuyên bố điểm số cực kỳ quan trọng, không thể bỏ lỡ một phút nào cho việc học. "Đạt được một điểm nữa, thì có thể vượt thêm một nghìn người trong tỉnh, hoặc hơn thế nữa. Vì vậy chúng em cảm thấy rằng mỗi phút này đều vô cùng quan trọng. Bởi vì mỗi phút đều có thể là một hoặc hai điểm, hoặc hơn", Lý Tùng nói.
Cuộc phỏng vấn sau đó gây bão cả nước. Nhiều người cho rằng, trường Hành Thủy đã "tẩy não" học sinh, bắt các em học tập điên cuồng để lấy thành tích. Cách giáo dục khắc nghiệt của trường này cũng bị đem ra tranh cãi.
Lý Tùng trong cuộc phỏng vấn gây bão năm 2011.
Theo đó, trường Hành Thủy tổ chức theo mô hình bán quân sự, tất cả học sinh phải tuân thủ giờ giấc và quy định nghiêm ngặt. Học sinh học 15 tiếng một ngày, học cả 7 ngày một tuần không ngừng nghỉ.
Học sinh thức dậy lúc 5h30 sáng, vệ sinh cá nhân, 5h40 xuống sân chạy bộ tập thể dục, 5h50 sẽ đọc sách sau khi chạy, ăn sáng lúc 6h30, 7h chuẩn bị cho việc tự học, 7h30 bắt đầu tiết học. Có năm tiết học vào buổi sáng. 12h45 đến 13h45 nghỉ trưa. Rồi tiếp tục năm tiết buổi chiều. Sau bữa tối ở các lớp học, xem thời sự từ 18:50 đến 19:10. Buổi tối có ba tiết tự học, kết thúc lúc 21h50, 22h10 học sinh phải tắt đèn và đi ngủ.
Dù có nhiều chuyên gia lên tiếng chê trách phương pháp của Hành Thủy là "lò luyện người" nhưng cũng có không ít ý kiến bênh vực. Đối với những sinh viên xuất thân từ gia đình nghèo, không có gia cảnh, mong muốn thay đổi số phận bằng con đường học tập thì công sức ăn ngủ chính là món hời của họ. Vì vậy, họ không ngại vất vả, mệt nhọc mà chỉ sợ mình chưa chăm chỉ.
Họ sẵn sàng lựa chọn con đường rèn giũa đi trước, và họ khao khát kiến thức, điều này có gì sai? Ngay cả các hoàng tử thời xưa, trừ những ngày lễ Tết đặc biệt quan trọng thì ngày nào cũng phải dậy đúng giờ, trước bình minh để bắt đầu việc học tập.
Nam sinh từng gây tranh cãi ngày ấy giờ ra sao?
Thấm thoắt đã hơn 10 năm trôi qua, nhiều người không khỏi tò mò, Lý Tùng giờ ra sao? Được biết năm đó, Lý Tùng không thi đỗ vào ngôi trường mơ ước là Đại học Thanh Hoa, và sau đó theo học tại Cao đẳng Ngoại giao. Tuy nhiên nhờ những thói quen học tập chăm chỉ được rèn từ thời ở Hành Thủy đã khiến nam sinh này đạt được nhiều thành tích trong việc học.
Lý Tùng hiện tại.
Hiện tại, Lý Tùng là một nhà ngoại giao, thuộc phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Dư luận Trung Quốc cho rằng, với tâm niệm trân quý từng giây từng phút, Lý Tùng đã vượt qua vô số người và đứng ở một tầm cao mà nhiều người không thể với tới.