Bugatti và Hennessey là hai địch thủ đã cạnh tranh danh hiệu xe mui trần nhanh nhất thế giới (và cả xe nhanh nhất thế giới) từ lâu.
Cả hai đều tự nhận mình sở hữu xe mui trần nhanh nhất thế giới. Mỗi bên đều có lý riêng, tuy nhiên danh xưng trên thực tế tạm thời vẫn thuộc về... Veyron Grand Sport Vitesse cũ.
Cái tên mới nhất tham gia cuộc đua xe mui trần nhanh nhất thế giới trong tuần qua đã ra mắt là Hennessey Venom F5 Roadster, phiên bản mui trần của chiếc coupe ra mắt vào tháng 12-2020.
Xe có giá 3 triệu USD, sản lượng 30 chiếc và khả năng tùy biến mọi mặt theo yêu cầu người dùng, theo đúng tiêu chí công ty vốn nổi tiếng về khả năng độ xe nhiều hơn là làm xe.
Động cơ Venom F5 Roadster sử dụng là loại V8 Fury 5.5L tăng áp kép cho công suất 1.817 mã lực, mô-men xoắn 1.617 Nm. Phụ trách truyền khối công suất khổng lồ trên tới trục sau là hộp số bán tự động ly hợp đơn 7 cấp.
Tốc độ tối đa xe không được công bố nhưng được khẳng định sẽ "cố gắng vượt mốc kỷ lục của Hennessey Venom GT Spyder là 427,4 km/h".
Đây là mẫu xe mui trần mạnh nhất thế giới nhưng nhanh nhất lại là yếu tố cần được chứng minh khá phức tạp - Ảnh: Hennessey
Quay lại kỷ lục tốc độ của xe mui trần, ta có thể thấy Hennessey tự nhận danh hiệu trên về tay một mẫu xe trước đó của họ là Venom GT Spyder. Tuy nhiên, vấn đề là dù Hennessey có video bằng chứng, tốc độ này của hãng không được bên thứ 3 xác nhận.
Thêm vào đó, khung gầm các dòng xe Hennessey trước đây không phải là hoàn toàn mới. Công ty này về cơ bản là một hãng độ, và khung gầm Venom trước đây có xuất xứ nguyên bản từ Lotus Exige.
Kết hợp với sản lượng xe ít ỏi, Bugatti tin rằng chiếc Venom GT Spyder "không đủ chuẩn chứng nhận xe nhanh nhất thế giới".
Về phần mình, Bugatti Veyron Grand Sport Vitesse được bên thứ 3 chứng nhận, là tập đoàn TUV từ Đức nổi tiếng với mảng thử nghiệm và chứng nhận máy móc, có bề dày lịch sử lên tới gần 160 năm.
Guinness trong thời gian qua không chứng nhận tốc độ nhiều mẫu xe vì chúng không đủ điều kiện thử nghiệm (chạy 2 chiều) hoặc sản lượng (phải đủ lớn để chứng minh là xe thành phẩm) - Ảnh: Hennessey
Việc Guinness không chứng minh tốc độ của cả 2 siêu xe trên là bởi chúng đều đạt tốc độ tối đa khi vận hành một chiều duy nhất. Quy chuẩn của Guinness yêu cầu xe phải chạy 2 chiều (để vô hiệu yếu tố hướng gió) để tính tốc độ trung bình tối đa.
Nếu Hennessey thực sự quyết tâm, mẫu xe mới của họ là Venom F5 Roadster có thể được Guinness công nhận chính thức.
Khung gầm hoàn toàn nguyên bản, sự có mặt của đại diện Guinness cùng hệ thống máy móc đo tốc độ chuyên dụng và vận hành 2 chiều là những yêu cầu dòng tên trên hoàn toàn có thể đạt được. Yếu tố cuối cùng chỉ là xe có thực sự đủ khả năng hay không.