Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán bán niên, tổng nợ phải trả tính đến cuối quý II của Vingroup đạt gần 400.000 tỷ đồng, dù vậy, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản tiền khách hàng, đối tác trả trước và các khoản phải trả khác chưa đến hạn thanh toán.
Trong đó, tiền khách hàng và các đối tác trả trước để mua các sản phẩm bất động sản của tập đoàn, về bản chất là doanh thu trong tương lai, ghi nhận 134.106 tỷ đồng, chiếm gần 34% tổng nợ phải trả.
Các khoản phải trả khác nhưng chưa đến hạn thanh toán như nợ nhà cung cấp, thuế và các khoản chi phí xây dựng trích trước ghi nhận hơn 110.000 tỷ đồng. Theo Vingroup, đây là các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động thường xuyên và sẽ được cân đối với các khoản phải thu.
Vay ngân hàng vẫn là một trong những cấu phần chính của nợ phải trả, nhưng tỷ lệ không quá áp đảo. Tổng nợ vay (bao gồm vay ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng, trái phiếu) ghi nhận 166.588 tỷ đồng, chiếm hơn 40% nợ phải trả. Trong đó, nợ vay dài hạn chiếm tỷ trọng chính với hơn 110.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm kết thúc quý II, tổng quy mô tiền mặt và tương đương tiền của tập đoàn đạt hơn 42.200 tỷ đồng. Tỷ trọng nợ vay thuần - tính theo quy mô nợ vay sau khi trừ đi các khoản tiền và tương đương tiền - trên tổng nguồn vốn chỉ ở mức 0,24 lần. Quy mô nợ vay thuần trên vốn chủ sở hữu ở mức dưới 1 lần. Hiểu đơn giản, mỗi 100 đồng tài sản của Vingroup đối ứng với chỉ 24 đồng từ nợ vay, còn lại là vốn chủ sở hữu và các nghĩa vụ nợ khác. Tương tự, trong tổng nguồn vốn, mỗi đồng nợ vay tương đương với một đồng vốn chủ sở hữu.
Con số này ở mức trung bình so với nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn và thấp hơn một số nhà phát triển quy mô lớn khác. Tính chung gần 40 nhà phát triển bất động sản đang niêm yết, hệ số nợ trên tài sản và vốn chủ sở hữu trung bình cuối quý II khoảng 0,27 và 0,83 lần.
Theo số liệu phân tích từ FiinGroup, một trong ít các doanh nghiệp được cấp phép xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, tỷ lệ đòn bẩy nợ vay trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Hệ số này giảm từ mức 0,58 lần năm 2018 xuống 0,47 vào quý I/2022.
Điều này cho thấy khả năng vay và trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản dân cư hiện vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh và vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, qua đó khiến việc tiếp cận nguồn vốn của nhóm doanh nghiệp này từ các kênh gặp hạn chế.
Nửa đầu năm nay, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt hơn 31.600 tỷ đồng, giảm gần nửa so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng và sẽ được bàn giao trong nửa sau của năm nay.
Trong khi đó, các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng tốt như kinh doanh khách sạn và vui chơi giải trí tăng 80%; y tế và giáo dục tăng lần lượt 43,6% và 14%. Theo Vingroup, kết quả này chủ yếu do các cơ sở đã hoạt động bình thường và khởi sắc so với cùng kỳ năm 2021.
Lợi nhuận trước thuế trong sáu tháng đầu năm nay đạt gần 3.500 tỷ đồng.
Đến ngày 30/6, tổng tài sản Vingroup đạt gần 530.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm trước. Trong đó, hàng tồn kho tăng 61% lên gần 81.000 tỷ do có nhiều bất động sản để bán đang xây dựng - dự án mới mở bán Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire. Theo Vingroup, các sản phẩm dự kiến được giao từ quý III năm nay, sẽ giúp tập đoàn hoàn thành mục tiêu đề ra ở mảng bất động sản.