Chiều 31-10, phiên toà xét xử vụ án vi phạm quy định về và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng do Phan Minh Tân (cựu giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cùng năm đồng phạm thực hiện tiếp tục với phần đối đáp, tranh luận.
Luật sư: Không có chuyện ưu ái cho doanh nghiệp
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Minh Tân mong HĐXX và đại diện VKS xem xét, đánh giá bối cảnh, hoàn cảnh tại thời điểm thực hiện dự án nghiên cứu và sản xuất chip RFID. Theo đó, trong bối cảnh thời điểm năm 2008-2010 thì công nghệ chíp ở Việt Nam chỉ có quy mô phòng thí nghiệm. Các nhà máy sản xuất công nghệ chíp tại Việt Nam đều là của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài làm chủ.
Trong khi đó, công nghệ RFID được sử dụng rất phổ biến tại thị trường Việt Nam, chip gắn trên ô tô để thực hiện thu phí không dừng, chip gắn trên hàng hóa khi xuất nhập, lưu kho ….
Do đó, khi Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học công nghệ phê duyệt cấp kinh phí vào hệ thống sản xuất công nghệ RFID của Công ty Huy Hoàng là quyết sách đúng và phù hợp với chủ trương của Bộ KH&CN. Do vậy không có chuyện Công ty Huy Hoàng được ưu tiên, ưu ái hoặc có hoạt động lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xét duyệt nhanh chóng, sai quy định.
Các bị cáo tại toà. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Cạnh đó, LS cũng cho rằng trong cả dự án 1 và dự án 2 Công ty Huy Hoàng đã thực hiện gần như hoàn thiện các công việc đề ra không giống như cáo trạng cáo buộc (cáo trạng xác định dự án 1 chỉ thực hiện được 1/6 công việc, còn dự án 2 không thu được sản phẩm nào).
Dẫn chứng, LS chỉ ra sản phẩm mà Công ty Huy Hoàng tạo ra trong dự án 2 là 14 phần mềm đã đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). "Công ty Huy Hoàng không bán được sản phẩm để hoàn trả nợ cho Quỹ phát triển KHCN thì đây cũng chỉ là rủi ro về mặt thị trường chứ không phải doanh nghiệp này nhận tiền rồi không thực hiện dự án" - LS trình bày phần bào chữa.
Về số tiền thiệt hại 22 tỉ mà cáo trạng xác định, LS của ông Tân cho rằng Quỹ Phát triển KHCN hoạt động với nguyên tắc bảo toàn vốn, không vì mục đích lợi nhuận nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển KHCN. Do đó, khi cho vay, Quỹ chỉ đánh giá năng lực công nghệ mà không cần tài sản thế chấp, không tính lãi cho vay.
Tuy nhiên, số tiền 22 tỉ đồng thiệt hại trong vụ án thì cơ quan tố tụng đã tính cả phần tiền lãi vào trong thiệt hại (khoảng 10 tỉ). Do đó, việc xác định số tiền thiệt hại là 22 tỉ đồng là chưa chính xác.
VKS: Công ty Huy Hoàng không đủ khả năng tài chính
Đối đáp lại những lập luận trên, đại diện VKSND TP.HCM cho biết đối với dự án 1, cơ quan công tố không quy kết các bị cáo làm sai quy trình cấp kinh phí cho Công ty Huy Hoàng mà quy cáo buộc các bị cáo làm sai tại giai đoạn 2 của dự án này.
Cụ thể là sai về đánh giá, thẩm định để cấp tiếp kinh phí, sau khi giải ngân 3,5 tỉ đồng cho Công ty Huy Hoàng. Theo hợp đồng ký kết giữa Sở KH&CN với Công ty Huy Hoàng thì trước mỗi đợt cấp kinh phí phải xem xét khối lượng công việc...
Giai đoạn 1 có sáu nội dung mà Công ty Huy Hoàng mới chỉ thực hiện được 1 nội dung và không đủ điều kiện để cấp tiếp kinh phí nhưng các bị cáo vẫn phê duyệt để cấp tiếp.
Cạnh đó, theo quy định thì Quỹ Phát triển khoa học chi tiền để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học nhưng Công ty Huy Hoàng sử dụng tiền để mua máy tính, thiết bị phục vụ công tác quản lý riêng của Công ty Huy Hoàng như vậy là sai mục đích.
Đối với đội ngũ nhân sự của Công ty Huy Hoàng, kết quả xác minh thể hiện những nhân sự của Công ty Huy Hoàng có trình độ, tiêu chuẩn không đảm bảo để thực hiện dự án.
Đối với dự án 2, Công ty Huy Hoàng hoàn toàn không đủ khả năng tài chính vì sáu phiếu thu góp vốn đều là chứng từ khống và thư hứa cấp tín dụng của ngân hàng không có giá trị để chứng minh tài chính của doanh nghiệp.
Về văn bản của Bộ KH&CN thì Bộ chỉ phê duyệt chủ trương và chỉ đạo UBND TP.HCM tổ chức thực hiện còn việc cho vay cụ thể thì các bị cáo phải tuân thủ theo quy định, quy chế quản lý quỹ.
Đối với 14 giấy chứng nhận đăng ký quyền bản quyền thì VKS cho rằng đã kiểm tra và xác định nội dung đăng ký quyền bảo hộ này không phải sản phẩm của cả hai dự án.