Công nghệ

Trải nghiệm 24 giờ không dùng dịch vụ Big Five

"Dễ thôi", Abigail Buchanan, phóng viên của Telegraph, nghĩ khi bắt đầu thử thách tránh xa các công nghệ của Big Five - từ dùng để gọi Alphabet (Google), Amazon, Microsoft, Meta và Apple. Cô được phép sử dụng sản phẩm công nghệ của các hãng khác, trừ 5 cái tên kể trên.

Các ứng dụng hiển thị trên một chiếc smartphone. Ảnh: Bảo Lâm

Các ứng dụng hiển thị trên một smartphone. Ảnh: Bảo Lâm

Do không biết hết dịch vụ Big Five đang cung cấp, Buchanan sử dụng plug-in trên trình duyệt có tên Big Tech Detective, có thể loại bỏ toàn bộ dịch vụ liên quan đến công ty kể trên.

"Ngay sau khi cài Big Tech Detective, việc duyệt web là không thể vì trình duyệt Chrome, Edge, Safari đều nằm trong danh mục hạn chế. Kể cả khi tải trình duyệt khác, việc sử dụng vẫn không thành công vì nó sử dụng tài nguyên do Amazon Web Services (AWS), Google, Facebook hoặc Microsoft cung cấp", Buchanan cho biết.

Cô không dùng được Gmail và những công cụ soạn thảo văn bản phổ biến như Microsoft Word hay Google Docs, do đó công việc ngừng trệ cả ngày. Cô cũng không thể gọi Uber để di chuyển. Nền tảng gọi xe không thuộc Big Five, nhưng sử dụng bản đồ Google Maps, buộc cô phải đi nhờ xe của bạn bè.

Các lựa chọn giải trí online cũng trở nên khó khăn, như Netflix và Disney+ đều bị giới hạn vì cả hai sử dụng công nghệ đám mây của Amazon, còn Spotify dùng dịch vụ của Google. Việc "quét" tin tức, thanh toán hóa đơn không thể thực hiện, do Buchanan dùng iPhone và Apple Pay.

Buchanan tự mô tả mình là "người hoài cổ" khi thay iPhone đang dùng bằng mẫu Nokia 2660 nắp gập. "Cảm giác hoài niệm thú vị chỉ diễn ra 5 phút đầu, sau đó rất khó chịu vì phải mất vài phút để soạn cẩn thận một tin nhắn văn bản ngắn", cô cho hay.

Thực tế, kể cả khi người dùng tránh xa sản phẩm và dịch vụ của Big Tech, DNA của những công ty này vẫn hiện diện trên các sản phẩm công nghệ. Theo thống kê của hãng phân tích Canalys hồi tháng 1, Amazon không chỉ chiếm 65-70% doanh số bán hàng tại thị trường thương mại điện tử ở Mỹ, mà còn là nhà cung cấp công nghệ đám mây lớn nhất thế giới với 31% thị phần năm 2023. Trong khi đó, lưu lượng tìm kiếm toàn cầu đi qua Google năm ngoái cũng đạt 91%.

"Tôi rất vui vì thử thách chỉ kéo dài 24 tiếng", Buchanan nói. "Tôi thừa nhận không vượt qua hoàn toàn thử thách, bởi trong một khoảnh khắc, tôi vẫn sử dụng dịch vụ của Big Five. Một cuộc sống không có những gã khổng lồ công nghệ có thể khả thi, nhưng tôi chưa sẵn sàng rời khỏi mạng lưới đó".

Trước Buchanan, một phóng viên công nghệ khác là Kashmir Hill cũng thử không dùng dịch vụ của Big Tech trong 6 tuần bằng cách cài VPN để ngăn chặn phần mềm và ứng dụng, nhưng không thành công.

"Con người đang càng phụ thuộc vào Big Tech", Hill nói năm 2019. "Môi trường Internet hiện nay đã gắn chặt vào những công ty như Amazon, Google, đến mức ngay cả đối thủ cạnh tranh cũng phải dựa vào dịch vụ của họ".

Theo Reuters, các nhà lập pháp ở nhiều quốc gia đang "nhận thức sâu sắc" về sự thống trị của những gã khổng lồ công nghệ. Tại châu Âu, Apple, Google và Meta đang trong tầm ngắm về chống độc quyền. Năm ngoái, châu lục này gọi 6 công ty là "kẻ gác cổng" cần được quản lý, gồm Amazon, Alphabet, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance/TikTok. Họ có nguy cơ bị phạt hàng tỷ euro nếu bị phát hiện không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) - luật về chống độc quyền mới, bắt đầu có hiệu lực từ 7/3.

Tại Mỹ, Apple bị Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) khởi kiện cuối tháng trước vì độc quyền thị trường và thao túng giá smartphone. Ngoài ra, công ty cũng đang bị điều tra ở nhiều nơi, như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm