Tài chính

FDI thấp nhất 30 năm, nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, một quốc gia châu Á đang phải đối mặt với "3 mối nguy hiểm" cùng lúc, vật lộn cứu nền kinh tế

Tờ Financial Times (FT) cho hay nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất 30 năm qua, tạo nên thử thách mới cho chính quyền Bắc Kinh khi tìm kiếm dòng tiền nước ngoài để thúc đẩy kinh tế.

Cụ thể, số liệu từ Cục quản lý ngoại hối nhà nước (SAFE) cho thấy nguồn vốn FDI vào Trung Quốc năm ngoái đã giảm 82% so với năm 2022, xuống 33 tỷ USD. Đây là mức giảm hơn 90% so với đỉnh năm 2021 và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1993.

Theo các chuyên gia, dư âm của các lệnh giãn cách đại dịch Covid-19 cùng sự phục hồi chậm của thị trường năm 2023 đã ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Trung Quốc. Đó là chưa kể đến việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát nhiều mảng kinh tế như ngân hàng, bất động sản, giáo dục, công nghệ cũng như chấn chỉnh lại mảng tín dụng.

Thêm vào đó, mối quan hệ thương mại căng thẳng Mỹ-Trung cũng góp phần khiến nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nơi đây để chuyển sang các thị trường khác như Nhật Bản, nền kinh tế vừa mới chấm dứt 17 năm lãi suất âm và hứa hẹn một cơ hội tăng trưởng mới.

FDI thấp nhất 30 năm, nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, một quốc gia châu Á đang phải đối mặt với '3 mối nguy hiểm' cùng lúc, vật lộn cứu nền kinh tế- Ảnh 1.

Dòng vốn FDI vào Trung Quốc (tỷ USD)

Báo cáo của SAFE cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 1998, nguồn vốn FDI vào Trung Quốc giảm trong quý III/2023 trước khi phục hồi nhẹ vào quý IV. Tuy nhiên đây là dấu hiệu đáng báo động cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang cực kỳ lo lắng về tình hình kinh tế Trung Quốc.

Tồi tệ hơn, số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy lợi nhuận của các hãng công nghiệp nước ngoài tại nước này đã giảm 6,7% năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Lỗi tại lãi suất?

Tờ FT cho hay nhà đầu tư nước ngoài đang bị thu hút bởi các thị trường khác ngoài Trung Quốc khi nhiều ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất, ví dụ như việc Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm kéo dài 17 năm. Cả Châu Âu lẫn Mỹ đều đang giữ mức lãi suất cao và vẫn chưa cắt giảm.

Trái ngược lại, Trung Quốc lại đang cắt giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế, làm suy giảm sức hút với các nhà đầu tư quốc tế.

Hãng tin Bloomberg cho hay một cuộc khảo sát với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc mới đây cho thấy phần lớn công ty đều cắt giảm đầu tư hoặc giữ nguyên hiện trạng so với năm trước vì không có dự đoán lạc quan trong năm nay.

Trong năm 2023, doanh nghiệp Nhật Bản có mức đầu tư ít nhất 10 năm qua tại thị trường Trung Quốc với chỉ 2,2% số đầu tư mới được rót vốn vào đây. Con số này còn chẳng bằng nguồn vốn rót cho thị trường Ấn Độ và chỉ bằng ¼ so với tiền đầu tư vào Australia của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hàn Quốc cũng là một trong những nước cắt giảm đầu tư cho thị trường láng giềng năm 2023 khi nguồn FDI mới đã giảm 91% trong 9 tháng đầu năm ngoái so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức FDI thấp nhất từ năm 2002 mà Hàn Quốc đổ vào Trung Quốc.

FDI thấp nhất 30 năm, nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, một quốc gia châu Á đang phải đối mặt với '3 mối nguy hiểm' cùng lúc, vật lộn cứu nền kinh tế- Ảnh 2.

Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 11% trong năm 2023 do lo ngại sự sụp đổ của thị trường bất động sản khi hàng loạt tập đoàn đối mặt nguy cơ vỡ nợ.

Tồi tệ hơn, hệ lụy của thị trường bất động sản đang có dấu hiệu lan sang cả mảng ngân hàng.

Ảnh hưởng dây truyền

Tờ Nikkei Asia Review cho hay nhóm Big Four gồm Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC), Bank of China (BOC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) đã ghi nhận tổng nợ xấu 1,23 nghìn tỷ nhân dân tệ (170 tỷ USD) cho năm 2023, tăng 10,3% so với mức 1,117 nghìn tỷ nhân tệ của năm trước đó.

Theo Nikkei, rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng Trung Quốc gia tăng khi mà nền kinh tế sụt tốc tăng trưởng đe dọa an ninh việc làm, còn giá tài sản sụt giảm ảnh hưởng tới các tòa nhà được dùng làm tài sản thế chấp vay nợ ngân hàng.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương vốn phụ thuộc vào thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất để trả nợ cũng đang gặp khó khăn khi các dự án bị đình trệ còn nhiều công ty thì lâm vào cảnh vỡ nợ.

"Chúng tôi nhận thấy rủi ro và áp lực lan truyền từ lĩnh vực bất động sản cũng như những doanh nghiệp đang chứng kiến tài sản thế chấp mất giá mạnh", giám đốc quản lý rủi ro Zhu Jiangtao của ngân hàng China Merchants Bank cho biết.

FDI thấp nhất 30 năm, nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, một quốc gia châu Á đang phải đối mặt với '3 mối nguy hiểm' cùng lúc, vật lộn cứu nền kinh tế- Ảnh 3.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn

"Nền kinh tế Trung Quốc đang có ba mối nguy hiểm gồm các công ty bất động sản, nợ của chính quyền địa phương và nợ chéo của các tổ chức tài chính cỡ vừa và nhỏ", Chủ tịch Liu Jun của BOCOM đồng quan điểm.

Theo ông Liu, tình trạng nợ xấu gia tăng sẽ lan rộng từ các ngân hàng ra các quỹ tín thác và tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Chính những mối lo lắng này đã tác động cực lớn đến các doanh nghiệp nước ngoài khi mảng bất động sản có dấu hiệu ảnh hưởng dây truyền, thậm chí tác động đến nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nỗi lo giảm phát

Hãng tin CNBC cho hay giá cả ở Trung Quốc đã giảm nhiều tháng liên tiếp nhưng người dân lại ngày càng tiết kiệm hơn.

Trong khi Phương Tây từng phải đối mặt thách thức lạm phát thì Trung Quốc lại đang đau đầu với rủi ro giảm phát khi người dân không chịu chi tiêu, hình thành một "vòng xoáy giảm phát" nguy hiểm đối với nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí gây ra cả ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm 4 tháng liên tiếp. Con số này là 0,8% trong tháng 1/2024, mức thấp nhất suốt 15 năm qua. Doanh nghiệp ở gần như tất cả các lĩnh vực trong rổ hàng hóa tính CPI đều giảm giá bán sản phẩm, từ mỹ phẩm cho tới đồ điện và ô tô. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của nước này cũng đã giảm liền 16 tháng, với mức giảm trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước là 2,5%.

Xin được nhắc rằng giảm phát là tình trạng giá cả giảm làm xói mòn lợi nhuận doanh nghiệp, nhưng người tiêu dùng vẫn không chịu mua vì kỳ vọng giá sẽ còn rẻ hơn nữa, hoặc đơn giản là lo lắng cho tương lai nên tiết kiệm chi tiêu như tình hình hiện nay. 

Điều này khiến công ty phải tiếp tục giảm giá bán, cắt bớt nhân sự để hạ chi phí, qua đó ảnh hưởng thu nhập người dân và càng tạo áp lực giảm tiêu dùng, tạo thành vòng luẩn quẩn.

FDI thấp nhất 30 năm, nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, một quốc gia châu Á đang phải đối mặt với '3 mối nguy hiểm' cùng lúc, vật lộn cứu nền kinh tế- Ảnh 4.

Tháng 1/2024, khảo sát người tiêu dùng Trung Quốc bởi Morgan Stanley cho thấy chỉ hơn một nửa số người được hỏi kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc trong 6 tháng tới. Khoảng 76% số người được hỏi cho biết đã cắt giảm chi tiêu ở ít nhất một hạng mục trong 6 tháng qua.

Ngoài ra, ở tất cả các hạng mục tiêu dùng, người tiêu dùng đều nghiêng về lựa chọn các thương hiệu rẻ hơn thay vì chọn mua các thương hiệu đắt tiền.

*Nguồn: FT, Nikkei, Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm