Một ngày giữa tháng 5, Ayara cầm trên tay tập CV chưa kịp nguội từ máy in và lao vào ngày hội tuyển dụng ở trường. Căn phòng chật kín người tìm việc. Sinh viên mới năm hai như cô gần như không có cơ hội.
Những năm trước, một sinh viên khoa học máy tính tại Đại học California, Berkeley có thể dễ dàng tham gia một kỳ thực tập hè thú vị tại những công ty công nghệ hàng đầu ở Thung lũng Silicon như Meta, Apple, Amazon, Netflix hay Google. Nhưng giờ mọi thứ khó khăn hơn nhiều.
Cô thậm chí không xin được cơ hội thực tập tại những công ty ít hấp dẫn hơn như Spotify, Salesforce, Uber hay Microsoft. Ayara cho biết đã bị gần 50 công ty công nghệ khác từ chối.
Theo các nhà phân tích, đây không phải thời gian lý tưởng để bước chân vào thị trường công nghệ nếu không muốn nếm "trái đắng". Ngành này đã mở rộng quá đà những năm qua, gây tình trạng lạm phát nhân sự. Trong đại dịch, Big Tech đã mạnh tay chiêu mộ tân binh, như công ty Meta đã nhân đôi số lượng nhân viên chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng "kỳ trăng mật" nhanh chóng qua đi. Các công ty công nghệ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, tình hình kinh tế đi xuống, buộc họ phải đóng băng tuyển dụng.
Từ vài tháng trước, hầu hết công ty công nghệ nổi tiếng đã từ chối đơn xin thực tập của sinh viên. Cùng lúc đó, làn sóng sa thải diễn ra khiến 120.000 nhân viên kỹ thuật mất việc chỉ trong thai háng đầu năm. Trong đó, riêng Alphabet, công ty mẹ của Google, đã chiếm 10% con số này. Sang tháng 3, Meta sa thải thêm 10.000 nhân viên.
Cánh cửa bước vào Thung lũng Silicon ngày một hẹp với Ayara. "Giờ chỉ cần có một công ty nào thuê là tôi đều chấp nhận", cô nói.
Tại Berkeley, các thực tập sinh xếp hàng dài bên ngoài hội chợ việc làm, thậm chí mặc vest và đeo cà vạt để thể hiện sự cầu thị. Tuy nhiên, ngay cả khi thành công giành được một suất thực tập, vị trí của họ cũng rất bấp bênh. Sue Harbor, Giám đốc điều hành một trung tâm hướng nghiệp, cho biết nhiều sinh viên may mắn nhận được lời mời thực tập nhưng đã bị lùi ngày hoặc sau đó bị hủy.
Một trong những mặt trái của Thung lũng Silicon là hào quang của Big Tech khiến sinh viên cho rằng không nơi nào đáng để làm việc hơn tại những công ty này. "Tên công ty bạn thực tập rất quan trọng vì đó là sự công nhận về kỹ năng, công việc và mọi người thường đánh giá cao nếu bạn từng làm tại tập đoàn công nghệ lớn", Ayara nói.
Những khát khao này cũng xuất phát từ ý thức cạnh tranh và kỹ năng vượt trội ngay từ đầu vào của các trường. Sinh viên Berkeley đã trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao để vào ngành Khoa học máy tính, nên mong muốn về nơi làm việc của họ cũng cao hơn. Trước đó, sinh viên của trường thường được đảm bảo về một công việc ổn định và hồ sơ "khủng" khi đi xin việc.
Vicky Li, sinh viên của Berkeley, nói các thực tập sinh thường truyền tai nhau những thông tin như "thực tập tại Google được trả lương rất cao dù chỉ làm vài tiếng mỗi này". Cô không muốn làm trong Big Tech và thấy nhẹ nhõm vì không bị cuốn vào đó. Li hy vọng trở thành nhà thiết kế sản phẩm tại một startup, nơi có thể có được "kinh nghiệm vững chắc" thay vì chỉ theo đuổi những cái tên nổi tiếng để "trang trí" cho hồ sơ xin việc sau này.
Theo khảo sát của công ty tuyển dụng Handshake, tiêu chí cao nhất sinh viên đưa ra hiện nay là sự ổn định, hơn là cuộc phiêu lưu mạo hiểm - thay đổi lớn trong tư duy của sinh viên khoa học máy tính.
Arthur Kang, sinh viên năm cuối, chọn làm việc tại một startup nhỏ vì nghĩ nơi đây sẽ cho anh cơ hội tạo ra thứ gì đó mới mẻ, thay vì trở thành một "bánh răng trong cỗ máy lớn". Kang tin đây là lựa chọn đúng đắn vì không phải lo lắng về việc bị sa thải bất kỳ lúc nào như nhân viên Google, Meta, Twitter đang đối mặt.
(theo Economist)