Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội của TPHCM vào chiều 1/8, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay người dân và dư luận rất quan tâm đến bảng giá đất mới . Thông tin này tác động đến nhiều đối tượng nên cần bàn thảo, xem xét kỹ.
Theo ông Võ Văn Hoan, về bảng giá đất mới có nhiều việc để thảo luận. “Chúng ta phải làm kỹ, phải trả lời cho rõ ràng, phải làm sao cho người dân hiểu. Còn những trường hợp tác động, ảnh hưởng chưa tích cực thì chúng ta phải tìm cách gỡ”, ông Hoan nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trong số các nội dung triển khai Luật Đất đai năm 2024, UBND cấp tỉnh được xem xét, sử dụng bảng giá đất cũ hoặc điều chỉnh bảng giá đất. Theo đó, TPHCM có chủ trương điều chỉnh bảng giá đất cũ.
Việc điều chỉnh bảng giá đất gồm 7 bước. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã hoàn thành 6 bước, toàn bộ dữ liệu của đơn vị tư vấn thu thập trên toàn địa bàn đã được cân chỉnh lại và chuyển cho tổ giúp việc của HĐND TPHCM xem xét, thẩm định.
“Xin nói rõ lại, bảng giá đất lần này là bảng giá điều chỉnh, chúng ta chưa xây dựng bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024. Bảng giá đất mới sẽ được xây dựng và áp dụng từ ngày 1/1/2026. Bảng giá điều chỉnh hiện nay là điều chỉnh giá cũ, cập nhật giá đất giao dịch hiện hành, giá bồi thường đã được phê duyệt, giá cụ thể của thị trường để đảm bảo không gây thất thoát trong bối cảnh bảng giá cũ quá thấp”, ông Thắng nói.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM dẫn chứng, có những tuyến đường mà bảng giá cũ chỉ 1-2 triệu/m2 mà giá giao dịch hiện tại đã tới 120 triệu/m2. Vì vậy việc cập nhật này là cân chỉnh lại toàn bộ để có một bảng giá phù hợp nhất để TPHCM sử dụng.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công bố dự thảo quyết định điều chỉnh quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TPHCM về bảng giá đất trên địa bàn.
Theo dự thảo, giá đất ở đô thị cao nhất ở TPHCM là 810 triệu đồng/m2, tại các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… (quận 1). So với bảng giá đất hiện hành, giá đất dự kiến đã tăng gấp 5 lần.
Một số tuyến đường lân cận khu vực trên có giá 528 triệu đồng đối với đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành), tăng 422,4 triệu/m2 đồng so với bảng giá đất hiện hành. Tương tự, đường Phạm Hồng Thái có giá 418 triệu đồng/m2, tăng 334,4 triệu đồng/m2.
Tại TP. Thủ Đức, bảng giá đất hiện hành chỉ có giá từ 5 - 7 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2 thì giờ cũng tăng hàng chục lần. Chẳng hạn, đường Trần Não dự kiến có giá 149 triệu đồng/m2, trong khi bảng giá hiện hành chỉ có giá từ 13 - 22 triệu đồng/m2.
Các tuyến đường nằm ở phường Thảo Điền trước đây chỉ có giá khoảng 7,8 triệu đồng/m2, thì giá dự kiến tăng lên từ 88 - 120 triệu đồng/m2. Đường 13, khu phố 4 (phường An Phú) có giá giá từ 5,2 triệu đồng/m2 sẽ tăng lên 91 triệu đồng/m2 (tăng gấp 17,5 lần).
Tương tự, nhiều tuyến đường tại quận 7, 4, 12 dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng giá gấp 10 - 15 lần so với bảng giá đất hiện hành.
Tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, giá đất theo dự kiến điều chỉnh tại nhiều nơi có giá đất gấp 10 - 20 lần so bảng giá đất giá đất theo quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TPHCM.
Huyện Hóc Môn là địa phương có giá đất dự kiến điều chỉnh tăng cao nhất so với bảng giá đất cũ khi có những tuyến đường có giá trị tăng gấp hơn 15 - 50 lần, như đường Đỗ Văn Dậy đoạn từ cầu Xáng đến Ngã ba Láng Chà từ 780.000 đồng/m2 lên đến 24,1 triệu đồng/m2, đường Nguyễn Thị Thảnh đoạn từ đường Đặng Thúc Vịnh đến kênh Trần Quang Cơ có giá dự kiến tăng hơn 37 lần từ 610.000 đồng/m2 lên tới 22,4 triệu đồng/m2.
Đối với Luật Đất đai 2024, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thẩm quyền của TPHCM là phải tham mưu ban hành 14 văn bản hướng dẫn chi tiết, phụ lục. Chủ trương của TPHCM là cho phép thực hiện quy trình rút gọn và đến ngày 1/8 hết thời gian lấy ý kiến các đơn vị. Ngày 15/8 là phải ban hành đầy đủ các văn bản để đảm bảo việc thực thi của Luật Đất đai. Trong 14 văn bản ban hành có 1 nội dung là giao cho UBND cấp tỉnh được xem xét điều chỉnh bảng giá. Từ đó, TPHCM đã có chủ trương điều chỉnh bảng giá cũ.