Doanh nghiệp

TPBank đặt mục tiêu tăng gấp đôi khách mới trong năm 2022

Kết thúc năm 2021, TPB đạt lợi nhuận trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đầu năm và tăng 37% so với cùng kỳ. Đây là bước đà cho ngân hàng duy trì tăng trưởng khi nền kinh tế trở lại bình thường, đồng thời là tiền đề để TPBank thông qua kết hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 36%, đạt 8.200 tỷ đồng trong năm 2022.

Dù có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) khá cao, TPBank vẫn thận trọng khi đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn năm trước, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận lớn. Điều này cho thấy ngân hàng đã có định hướng chuyển dịch về cơ cấu thu nhập, bớt phụ thuộc vào hoạt động tín dụng mà đẩy mạnh các nguồn thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là tăng thu nhập từ các hoạt động dịch vụ.

Tính đến cuối năm trước, hệ số an toàn vốn CAR của nhà băng này đạt gần 14%, cao gần gấp đôi mức 8% mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Theo Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, với hệ số CAR ở mức gần gấp đôi quy định theo Basel II và cao hơn đáng kể so với Basel III, ngân hàng có đủ không gian để tăng tỷ trọng tài sản có rủi ro cả trong năm 2022 và các năm sau.

Trước đó, năm 2021, TPBank được Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới 23,4%. Ông Hưng cho rằng, con số này không quá đột biến nhưng cũng thuộc nhóm cao nhất thị trường nhờ việc tăng vốn điều lệ lên gần 16.000 tỷ đồng và hệ số an toàn vốn trong top đầu. Năm nay, TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18%, là một mục tiêu khả thi.

TPBank kiên định với chiến lược phát triển ngân hàng số. Ảnh: TPBank

TPBank kiên định với chiến lược phát triển ngân hàng số. Ảnh: TPBank

Về chiến lược kinh doanh, Chủ tịch TPBank - ông Đỗ Minh Phú khẳng định, ngân hàng sẽ tiếp tục kiên định thực hiện số hóa, chủ động đón đầu xu hướng tương lai, xây dựng kho dữ liệu lớn (Big Data) và áp dụng năng lực phân tích dữ liệu và hành trình số hóa để tiên phong về chuyển đổi số.

Nhờ chiến lược này, đến cuối năm 2021, TPBank ghi nhận hơn 5 triệu khách hàng, tăng gần 1,5 triệu khách hàng cá nhân so với cuối năm 2020. Bên cạnh đó, TPBank phục vụ hơn 2,4 triệu khách hàng thường xuyên trên các kênh giao dịch điện tử. Nhờ đó, tỷ lệ tiền gửi thanh toán (CASA) tăng tới 90% trong năm trước, giúp giảm chi phí vốn, ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng.

"Việc đầu tư nghiêm túc và bài bản cho chuyển đổi số đã phát huy tác dụng ở thời điểm thị trường khó khăn nhất. Năm nay, ngân hàng vẫn đẩy mạnh kinh doanh đa dịch vụ, đảm bảo chất lượng tín dụng an toàn, mở rộng tệp khách hàng, nhất là GenZ, những người thích nghi nhanh với công nghệ, tiếp tục là một trong những ngân hàng được yêu thích nhất của giới trẻ với tên gọi Bank tím", ông Phú chia sẻ.

Theo đó, nhà băng này hướng tới mục tiêu có thêm 3 triệu khách hàng mới, gấp đôi năm 2021, tăng tỷ lệ hoạt động thêm ít nhất 10%.

Ngân hàng cũng kế hoạch tăng quy mô tài sản 20% so với thời điểm cuối năm 2021, đạt 350.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng, đạt mức 21.143 tỷ đồng, tương đương gần một tỷ USD. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được duy trì thấp hơn 1,5%.

Báo cáo phân tích của một số công ty chứng khoán đánh giá cổ phiếu TPB là một trong những mã Bluechip tiềm năng, dựa vào nội tại ngân hàng, khả năng thanh khoản và mức sinh lời tốt, liên tục mở rộng khách hàng. Hầu hết các công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị tích cực đối với TPB ở mức giá kỳ vọng cao hơn gần 40% so với thị giá hiện tại.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm