Hình thức lừa đảo tặng quà miễn phí, tri ân khách hàng… vốn chẳng phải là mới bởi nó đã xuất hiện trên mạng xã hội cách đây vài năm. Đầu tiên, kẻ gian sẽ mạo danh là nhân viên của các công ty lớn, các trang thương mại điện tử… và liên hệ với bạn thông qua tin nhắn.
Sau đó, họ sẽ thông báo rằng bạn đã trúng được một voucher giảm giá và yêu cầu bấm vào liên kết để hoàn tất việc nhận thưởng.
Tiếp theo, người dùng sẽ được chuyển hướng đến các trang web giả mạo có giao diện tương tự như website chính thức. Tại đây, kẻ gian sẽ yêu cầu bạn điền thông tin cá nhân gồm số điện thoại, địa chỉ email, mật khẩu tài khoản, OTP…
Tin nhắn lừa đảo ngân hàng khá phổ biến hiện nay. Ảnh: TIỂU MINH
Khi đã có được những thông tin này, kẻ gian có thể dễ dàng truy cập vào tài khoản của bạn và thực hiện việc mua sắm bằng ví điện tử, thẻ ngân hàng hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bạn.
Bên cạnh đó, kẻ gian còn sử dụng email có địa chỉ gần giống với các dịch vụ ngân hàng, ví điện tử và yêu cầu người dùng quét QR Code để nhận thưởng. Tuy nhiên, thực chất việc quét QR code là để liên kết ví điện tử của bạn với tài khoản mua hàng của kẻ gian (Lazada, Tiki, Google…).
Sau khi liên kết thành công, kẻ gian có thể mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán bằng tiền trong tài khoản của bạn (không cần xác thực lại bằng mật khẩu/OTP).
Làm thế nào để hạn chế bị mất tiền?
- Khi nhận được tin nhắn OTP, bạn cần kiểm tra các nội dung thông báo tin nhắn (số tiền, loại giao dịch, kênh thực hiện giao dịch...). Trong trường hợp thông tin không khớp, người dùng tuyệt đối không nhập OTP vào bất cứ màn hình nào, cũng như không cung cấp OTP cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng.
- Không quét QR Code không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa nắm rõ thông tin.
- Không cho bất kỳ ai mượn hoặc sử dụng tài khoản ví điện tử, tài khoản ngân hàng.
- Không chia sẻ số điện thoại, CCCD, hình ảnh, thông tin ngân hàng, ví điện tử…trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok…
- Không chia sẻ tên đăng nhập, mật khẩu qua bất kỳ hình thức liên lạc nào, bao gồm cả tin nhắn SMS, Zalo, Messenger… hay thậm chí là cả tính năng chat (trò chuyện) được tích hợp bên trong các ứng dụng mua sắm.
- Không bấm vào các liên kết đáng ngờ hoặc nạp tiền vào ví điện tử khi được yêu cầu thực hiện để nhận quà tặng/ưu đãi.
- Không sử dụng các thông tin cơ bản, dễ tìm như ngày tháng năm sinh, số điện thoại… để làm mật khẩu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tạo cho mình thói quen đổi mật khẩu định kỳ khoảng 1-2 tháng.